Nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu

TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, ngày 1/7 cho biết, gần đây bệnh bạch hầu có dấu hiệu tăng lên, nguy cơ dịch bùng phát trở lại nếu người dân không được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Theo các chuyên gia dịch tễ, năm nay chắc chắn sẽ ghi nhận thêm các ca bệnh bạch hầu lẻ tẻ ở các địa phương, chứ không chỉ dừng lại ở con số mắc hiện nay. Hầu hết bệnh nhân là trẻ trên 10 tuổi và người lớn. TS. Thanh Huyền cho biết, điều tra kết quả tiêm chủng các trường hợp mắc bệnh bạch hầu cho thấy, hầu hết ca mắc là những người không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc-xin phòng bệnh, trong đó có trường hợp đã tiêm 3-4 mũi vẫn mắc bệnh. Lý do là các trường hợp này sau một thời gian, miễn dịch đã giảm xuống.

Trước tình hình bệnh có dấu hiệu đang tăng và dịch chuyển sang trẻ lớn và người lớn, từ năm 2019, Chương trình Tiêm chủng Quốc gia đã có định hướng triển khai tiêm nhắc vắc-xin bạch hầu, vắc-xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ lớn và người lớn để mở rộng hàng rào miễn dịch cộng đồng. Hiện Việt Nam có vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) phòng bệnh bạch hầu, tiêm cho trẻ lớn vào lúc 7 tuổi có thể giúp tăng đối tượng tiêm nhắc lại phòng bệnh.

Đánh giá tình hình bệnh bạch hầu ở tỉnh Kon Tum giai đoạn năm 2016-2017 cho thấy, gần 50% trường hợp từ 6-25 tuổi không có miễn dịch phòng bệnh, thậm chí nhiều trẻ đã không còn miễn dịch.

Tuy nhiên, sau khi được tiêm 1 liều vắc-xin, 95,4% số trẻ này có miễn dịch, nghĩa là một nửa số đó đã an toàn với bệnh bạch hầu sau khi tiêm. Tình hình mắc bệnh gần đây tại một số địa phương, nhất là tỉnh Đắk Nông cho thấy, việc tiêm chủng cần phải được duy trì để mầm bệnh có thể tiềm ẩn trong người lớn sẽ không có cơ hội bùng phát, lây lan sang trẻ nhỏ.

Sẽ xử nghiêm cán bộ để dịch bệnh lan rộng

Ngày 30/6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, bà Trần Thị Nga, ký văn công văn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu. Công văn này yêu cầu UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Kon Tum huy động cả hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu.

Công văn trên nêu rõ, chủ tịch UBND các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để dịch bệnh lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Y tế Kon Tum chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu trên địa bàn; phải nắm chắc các ổ dịch hiện có và mới phát sinh, sớm phát hiện các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, khoanh vùng. Đồng thời, Sở Y tế cần xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông phòng chống dịch cho các địa phương để nâng cao công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thuốc, hóa chất, đồ bảo hộ... để điều trị kịp thời và đáp ứng các tình huống dịch bệnh.

Đến nay, Kon Tum có 9 bệnh nhân bạch hầu. Phóng viên các báo đài phản ảnh rất khó liên hệ làm việc với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum. Tại Đắk Nông, trả lời báo chí, một lãnh đạo Sở Y tế phát ngôn hàm ý rằng, dịch bệnh bùng phát có phần lỗi của người dân (đa số là đồng bào Mông) không đi tiêm chủng. 

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang  9: “Tiêm vaccine bạch hầu cho trẻ dưới 7 tuổi bị sót hoặc thiếu mũi”.

Nguồn báo Tiền phong

 


Các bài viết liên quan