Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết và tay, chân, miệng

Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhưng dịch sốt xuất huyết và tay, chân, miệng đang gia tăng cục bộ tại một số địa phương. Ðể chủ động phòng, chống, nhất là không để xảy ra tình trạng "dịch chồng dịch", Bộ Y tế và chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Huyện Hóc Môn (thành phố Hồ Chí Minh), là một trong năm quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh có số ca mắc sốt xuất huyết cao từ đầu năm đến nay khi ghi nhận 47 ổ dịch, với 747 ca bệnh sốt xuất huyết (tăng 139% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có một trường hợp tử vong.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Lê Thụy Mỵ Châu: Nguyên nhân bùng dịch thời gian qua là bởi huyện có hơn 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, vẫn còn một số hộ gia đình trữ nước bằng lu, hồ để sử dụng cho việc chăn nuôi, chăm sóc cây cảnh tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Bên cạnh đó, ý thức người dân trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết chưa cao, vẫn còn tình trạng người dân ngủ không mắc màn. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý điểm nguy cơ sốt xuất huyết của huyện, xã, thị trấn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết khi xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ gia đình không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; nguồn nhân lực thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các trạm y tế xã, thị trấn còn thiếu…

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, trong bốn tháng đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 8.481 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 28% so cùng kỳ năm 2021), trong đó có bảy người chết.

Ðáng lo ngại, từ ngày 13/5 đến 19/5, thành phố ghi nhận 943 ca sốt xuất huyết, tăng 156 ca (20%) so trung bình bốn tuần trước, trong đó, số ca bệnh tăng chủ yếu là trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Ngoài dịch bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, thành phố còn ghi nhận 2.562 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng với 96% số trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Ðức cho biết, qua thực tế kiểm tra cho thấy, vẫn còn sự lơ là, chủ quan của người dân đối với dịch bệnh này. Do vậy, UBND thành phố yêu cầu lãnh đạo địa phương cần làm tốt hơn công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thực trạng, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp dồn sức chống dịch. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, khâu tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức là vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc truyền thông cần đi vào thực chất, không chỉ dừng lại ở hình thức. Bên cạnh việc kiểm tra, nhắc nhở, các cơ quan chức năng cũng cần xử phạt nghiêm các cá nhân, tổ chức không thực hiện tốt các biện pháp ngành y tế đề ra, góp phần giúp người dân điều chỉnh ý thức, thay đổi hành vi trong phòng, chống dịch…

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 30.168 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. So cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 17,9% và số tử vong tăng 8 trường hợp. Ðáng chú ý, tại khu vực phía nam, số mắc chiếm 85,4% số mắc cả nước và tất cả ca tử vong (13 ca) đều tại khu vực này; tỷ lệ mắc/100 nghìn dân của khu vực này cũng cao nhất cả nước (59,5 ca/100 nghìn dân).

Ngoài sốt xuất huyết, cả nước ghi nhận 8.017 trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng, trong đó có một trường hợp không qua khỏi. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc cả nước giảm 4,3 lần; tử vong giảm 9 trường hợp. Bộ Y tế nhận định, thời tiết khí hậu nóng ẩm cùng với việc giao lưu đi lại... là những điều kiện thuận lợi cho các bệnh lưu hành gia tăng, nhất là sốt xuất huyết, tay, chân, miệng... và có thể bùng phát dịch bệnh tại các địa phương thời gian tới.

Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp dự phòng, ngăn chặn sự bùng phát dịch sốt xuất huyết và tay, chân, miệng và các dịch bệnh mùa hè khác; chú trọng phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao... Sở y tế các địa phương quyết liệt kiểm soát dịch, tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan và kéo dài tại cộng đồng.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo các địa phương chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống bệnh tay, chân, miệng và các dịch bệnh trong trường học; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà-phòng và có vị trí thuận tiện cho người chăm sóc trẻ, trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp nước uống, nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể...

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: Cần tăng cường sự phối hợp của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; các ban, ngành phối hợp ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân nhận biết sớm các triệu chứng hoặc những dấu hiệu cảnh báo bệnh để đến cơ sở y tế kịp thời, hạn chế các trường hợp tử vong. Và quan trọng nhất là tạo phong trào sâu rộng đến từng người dân, mỗi gia đình tại các địa phương trong việc chủ động tìm và xử lý các vật đọng nước - nơi sinh sản của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Nguồn báo Nhân dân

 


Các bài viết liên quan