Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh
Ngày 22.6, Bộ Y tế đã quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm trong tháng 6-7.2022. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong, 47.821 trường hợp nhập viện điều trị. So với cùng kỳ năm 2021, số người mắc sốt xuất huyết tăng 97%, số tử vong tăng 24 trường hợp.
Bệnh nhân khốn khổ vì nắng nóng, dịch bệnh
Trong những tuần gần đây, số mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Không chỉ vậy, thời tiết nắng nóng làm gia tăng bệnh tật, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh là rất lớn. Tỉ lệ tử vong/mắc sốt xuất huyết hiện là 0,046% so với chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia là 0,09%. Ngành Y tế dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, theo dự báo, chu kỳ dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào năm nay. Nguy cơ sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn. “Ngay từ khi có dịch sốt xuất huyết rải rác tại một số địa phương, đặc biệt tại TPHCM và Bình Dương, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường truyền thông, tổ chức phòng, chống dịch tại địa bàn với nhiều biện pháp, trong đó chú ý nhiều biện pháp như phát quang bụi rậm, chú ý nguồn nước sạch” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Không chỉ dịch sốt xuất huyết, các dịch bệnh khác cũng gia tăng mạnh do thời tiết nắng nóng. Ghi nhận của phóng viên, tại khoa Nhi và đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn, số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa tăng đột biến, tăng khoảng 150-200% so với 2 tháng trước. Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang cho biết, phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết... thậm chí co giật.
Nhiều bé mới 2-3 tháng tuổi đã bị ho, viêm phổi nặng phải thở ôxy. Nguyên nhân chính gây bệnh là do virus hợp bào hô hấp (RSV). Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virus RSV nên các bác sĩ chủ yếu giảm các biến chứng cho bệnh nhi.
Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ mắc bệnh là do sau dịch COVID-19, trẻ quay trở lại trường học, thay đổi môi trường và thói quen nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Nếu trẻ ở phòng lạnh, điều hòa quá lâu, không khí khô sẽ khiến niêm mạc mũi dễ tổn thương, virus dễ xâm nhập.
Bác sĩ Nguyễn Hương Giang, khoa Cấp cứu Nội - Nhi cho hay, lượng trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hoá, tay chân miệng, cúm A… vào viện tăng. Trong đó, 90% bé đã mắc COVID-19. Các triệu chứng của bệnh nhi đều tách biệt với COVID-19. Trung bình một ngày, khoa tiếp nhận 20-25 bệnh nhi, tăng so với thời gian trước, trong khi đó, khoảng 60% số bệnh nhi này cần nhập viện để điều trị.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Hữu nghị, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu - cho biết, đơn vị này thông thường tiếp nhận khoảng 20-25 bệnh nhân mỗi ngày nhưng trong những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ tăng cao, con số này lên tới 30-35 ca. Theo bác sĩ, nắng nóng cực điểm trong những ngày qua là một trong những yếu tố có ảnh hưởng tới việc số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tăng.
Không chỉ trẻ em, người cao tuổi là đối tượng dễ bị ảnh hưởng tới sức khỏe khi thời tiết nắng nóng. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số lượng bệnh nhân gia tăng mạnh. Trong những ngày nắng nóng như hiện nay, nhất là đầu đợt nắng, số lượng người bệnh phải nhập viện cấp cứu đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, so với thông thường, số bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu đã lên tới 30 trường hợp. Trong đó, hơn một nửa trường hợp là ca nặng, cần can thiệp cứu cứu hồi sức. Các bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng nặng với những bệnh thường gặp là đột quỵ, viêm phổi, rối loạn điện giải...
Các cơ sở y tế tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị
Theo bác sĩ Trần Đình Thắng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, người dân cần tránh thay đổi môi trường quá nhiều. “Khi sử dụng điều hòa, nếu muốn ra ngoài, chúng ta nên tắt điều hòa đi để cơ thể thích nghi với nhiệt độ mới. Tương tự trong các trường hợp trước và sau khi tắm”- bác sĩ Thắng nói.
Ngoài ra, mùa hè là thời điểm một số bệnh truyền nhiễm, liên quan virus như sốt xuất huyết tăng cao. Mặt khác, việc sử dụng điều hòa trong mùa hè, môi trường kín cũng tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát triển. Do đó, bác sĩ Thắng khuyến cáo người dân nên cố gắng giữ môi trường thông thoáng, bố trí thời gian mở cửa và sử dụng thêm quạt thay cho điều hòa. “Môi trường, không gian mở, thông thoáng sẽ giúp hạn chế mật độ vi khuẩn. Đồng thời, gió sẽ giúp phát tán ra xung quanh, giảm nguy cơ mắc bệnh” - ông giải thích.
Ngoài ra, với người cao tuổi, cảm nhận khát sẽ giảm đi khiến họ không bổ sung nước, từ đó dẫn đến rối loạn điện giải. Do đó, bác sĩ Thắng cho rằng mọi người cần chú ý bổ sung đủ nước mỗi ngày, tối thiểu khoảng 2-2,5 lít. Với người cao tuổi, gia đình cũng nên chú ý để bổ sung.
Về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế - yêu cầu các cơ sở y tế đặc biệt là y tế tư nhân tuân thủ việc thu dung, điều trị người bệnh sốt xuất huyết theo phân độ tại Cẩm nang điều trị sốt xuất huyết.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.
Nguồn báo Lao động