Ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng

Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều như hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển. Bên cạnh đó, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội bắt đầu gia tăng. Chủ động ngăn chặn, không để dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng lây lan và bùng phát là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Y tế Thủ đô trong thời điểm này.

Cảnh giác với biến chứng nặng của bệnh

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tháng 4, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 5-10 ca tay chân miệng/tuần; đến cuối tháng 5, số ca mắc đã tăng lên 80-100 ca/tuần. Cộng dồn trong 5 tháng đầu năm 2022, Hà Nội ghi nhận 273 ca mắc tay chân miệng (tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm 2021).

Riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương trong tháng 4 và tháng 5 tiếp nhận 776 bệnh nhi mắc tay chân miệng đến khám (tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó), trong đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị. Điển hình là bé H.N. (15 tháng tuổi ở Hà Nội) nhập viện do sốt cao 39-40 độ C không hạ, quấy khóc, đau miệng, không ăn được. Ban đầu do trên da bé H.N. chưa nổi các nốt mụn nước, nên mẹ bé chỉ nghĩ con bị sốt, nhiệt miệng…

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, trẻ mắc tay chân miệng thường có các biểu hiện: Sốt nhẹ (hoặc sốt cao), tổn thương ở da (mụn nước ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối…). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm, như: Sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

Cũng theo CDC Hà Nội, tại thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội trung bình 10-15 ca/tuần. 5 tháng đầu năm 2022, thành phố có 55 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 42% so với cùng kỳ năm 2021). Tuy nhiên, hiện các bệnh viện tại Hà Nội đã tiếp nhận những ca nhập viện trong tình trạng nặng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn) thông tin về trường hợp một nam bệnh nhân đang điều trị tại viện. Vì chủ quan nghĩ mình mắc Covid-19, nên sau khi sốt 3 ngày, người đàn ông này mới đến bệnh viện trong tình trạng rất mệt mỏi, tiểu cầu giảm, nhưng may mắn chưa xuất hiện tình trạng xuất huyết nội tạng, xuất huyết dưới da...

Từ trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường cảnh báo, biến chứng nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu, từ đó dẫn tới tình trạng xuất huyết não, xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng… Riêng với xuất huyết nội tạng rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao nên người dân cần phải cảnh giác.

Chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị

Thông thường cứ 5 năm, sốt xuất huyết lại bùng lên thành dịch một lần. Dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017. Theo chu kỳ thì năm 2022, sốt xuất huyết có thể gây ra trận dịch lớn. Tại miền Nam, số người bị mắc sốt xuất huyết ngày càng gia tăng. Còn tại miền Bắc, thời tiết năm nay thay đổi thất thường, do đó, dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội có thể bùng muộn hơn, vào khoảng tháng 7, tháng 8. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các quận, huyện, thị xã đã có kế hoạch tổ chức những chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi, chủ động phòng bệnh.

Tại quận Hoàng Mai sẽ triển khai 3 đợt cao điểm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong năm nay: Đợt 1 hoàn thành trước ngày 25-6; đợt 2 từ tháng 7 đến tháng 10; đợt 3 trong tháng 11 và 12. Còn tại huyện Chương Mỹ hiện đã ghi nhận 7 ca mắc sốt xuất huyết. Bác sĩ Dương Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn duy trì, phát huy vai trò của đội xung kích, tổ giám sát trong việc tuyên truyền để người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường; hướng dẫn họ biết cách tự phát hiện ổ bọ gậy, tự xử lý các dụng cụ chứa nước…

Bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết hiện đều chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu. Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Do đó, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, với 4 type vi rút khác nhau. Tương tự, mỗi lần trẻ mắc tay chân miệng chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định, nên trẻ có thể tái mắc nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm Enterovirus.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, để hạn chế tối đa số ca mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết nặng và tử vong, ngành Y tế Thủ đô đã chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị; đồng thời điều trị, chuyển tuyến kịp thời các ca bệnh có diễn biến nặng. Tại các cơ sở khám, chữa bệnh cần củng cố, duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “Đường dây nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” để thường xuyên tư vấn, trao đổi chuyên môn và hỗ trợ người dân khi cần thiết. (Hà Nội mới, trang 5; Tiền phong, trang 6).

Nguồn báo Hà nội mới

 


Các bài viết liên quan