Nắng nóng bảo vệ sức khỏe ra sao?

Trong tuần này, khu vực miền Bắc và miền Trung dự báo nắng nóng gay gắt, chỉ số tia cực tím ở ngưỡng gây hại rất cao. Không những được cảnh báo cấp độ 1 về rủi ro thiên tai mà thời tiết này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Sống và làm việc trong tiết trời oi bức ở cả 3 miền, làm sao bảo vệ sức khỏe?

Phòng bệnh do nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ở Bắc Bộ và khu vực miền Trung có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 37oC, có nơi trên 37oC. Tại Nam Bộ cũng có thời tiết hanh nóng. Dự báo nắng nóng ở những khu vực Bắc Bộ và miền Trung có khả năng kéo dài đến cuối tháng 7.

Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Những ngày qua, nhiều người dân ở miền Trung phải chịu cảnh "cháy da, vàng mắt" mỗi khi ra ngoài. Tiết trời oi bức, cộng với không khí hanh khô, cũng khiến nhiều người "ăn không nổi" và cơ thể đổ nhiều mồ hôi dù đang ở nhà.

Sống trong tiết trời oi bức, chị T.G. (24 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) uống nước đá liên tục và thường xuyên mở máy điều hòa không khí nên có biểu hiện khô rát cổ họng. Chị G. cho biết thời tiết này khiến cơ thể rất khó chịu. Mỗi khi đi đường vào buổi trưa, chị cảm nhận mặt đường "bốc hơi" nóng rát vào mặt.

Dù đã đội nón, trang bị đồ dài tay, đeo khẩu trang nhưng bà L.T.S. cho biết vẫn cảm thấy khó chịu, rát da khi ra giữa sân phơi lúa. Khi bước vào nhà, bà bị hoa mắt, mọi vật đều là màu đen, mờ mờ và mất vài chục giây sau mắt bà mới nhìn lại được bình thường.

Để phòng bệnh mùa nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khuyến cáo người dân nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h -16h. Người dân cũng cần lưu ý chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống.

Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc. Đặc biệt khi đi dưới trời nắng, dù cơ thể nóng bức, khó chịu thì không được tắm ngay, kể cả không tắm nhiều lần trong ngày.

Một sai lầm nhiều người mắc phải trong tiết trời oi bức được các bác sĩ khuyến cáo là thời gian ở phòng máy lạnh quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh... Những hoạt động này vô tình làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp. Do đó, cần hạn chế ăn uống đồ lạnh, không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián... dễ gây ngộ độc thực phẩm đặc biệt là các vụ ngộ độc tập thể. Vì vậy cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Cẩn trọng đột quỵ, viêm màng não

Tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, bác sĩ Trần Đình Thắng, khoa cấp cứu, cho biết tháng trước trong đợt nắng nóng cao điểm mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận lên tới 30 trường hợp, trong đó hơn một nữa là các ca nặng cần can thiệp cấp cứu. Các bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng nặng với những bệnh thường gặp là đột quỵ, viêm phổi, rối loạn điện giải.

Viêm não, viêm màng não là bệnh thường gặp ở trẻ và gia tăng vào mùa hè. Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải - phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), cho biết hiện bệnh viện đang điều trị cho nhiều bệnh nhi mắc viêm não và viêm màng não. 

Bác sĩ Hải cũng cảnh báo, khi trẻ bị sốt, các phụ huynh thường nghĩ đến sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Tuy nhiên, một triệu chứng khác là trẻ nôn khan, nhiều bà mẹ lại nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc ho. Vì thế, nhiều người cho trẻ uống men tiêu hóa, uống thuốc ho. Nhưng đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm não.

Bác sĩ Hải thông tin, khi thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ, phải xử trí liền bệnh viêm não cấp diễn tiến rất nhanh trong vòng 48 tiếng. Đối với các trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ hỗ trợ hô hấp, chống phù não, dùng thuốc kháng virus, hỗ trợ hồi sức, đảm bảo tim mạch...

Đối với đột quỵ vào mùa hè, các chuyên gia cũng cảnh báo mặc dù nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến bệnh nhân đột quỵ tăng cao nhưng đây là tác nhân quan trọng làm gia tăng nguy cơ. Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ mùa nắng nóng, các chuyên gia khuyến cáo đối với những người có sẵn bệnh lý nền cần mang theo thuốc điều trị. Khi ra ngoài trời cần mặc các bộ đồ thông thoáng, đội mũ, dùng ô che nắng, uống bù nước.

Đối với những người trẻ, khi tham gia vào các hoạt động thể thao ngoài trời phải chú ý uống bù nước, tránh vận động mạnh vùng đầu cổ đột ngột gây tổn thương mạch máu vùng đầu cổ và không sử dụng chất kích thích làm huyết áp tăng vọt.

Theo bác sĩ Dương Thánh Sơn - Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), nhiều người lúng túng khi chứng kiến người đột quỵ, nghĩ rằng không được di chuyển bệnh nhân đột quỵ vì sẽ gây nguy hiểm. Bác sĩ Sơn cho rằng cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đột quỵ tới cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn báo Tuổi trẻ

 


Các bài viết liên quan