Nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết
Thời tiết giao mùa kèm theo những đợt mưa ẩm như hiện nay là điều kiện rất thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Do đó, bên cạnh các giải pháp của cơ quan y tế, các địa phương, người dân Thủ đô cũng cần nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết.
Phát động chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thời gian gần đây, số ca mắc mới sốt xuất huyết được ghi nhận trên toàn thành phố vào khoảng 300-400 ca/tuần. Trong 10 tháng của năm 2021, thành phố ghi nhận gần 3.000 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 1.000 ca so với cùng kỳ năm ngoái) và chưa có trường hợp tử vong. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, như: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm.
Tuần qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát động chiến dịch tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2021. Đơn cử như huyện Hoài Đức hiện đã ghi nhận hơn 180 ca sốt xuất huyết. Các xã: Đức Giang, Cát Quế, Sơn Đồng, Yên Sở là những nơi có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong toàn huyện.
Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho rằng, để chiến dịch phát động phòng, chống dịch sốt xuất huyết mang lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng thì không chỉ diễn ra trong đợt cao điểm, mà cần phải duy trì thường xuyên, liên tục, nhất là công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh. Công tác phòng, chống dịch chỉ thành công khi có sự tham gia tự giác, tích cực của mọi người dân.
Thời gian qua, trên địa bàn quận Tây Hồ đã ghi nhận khoảng 90 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó phường Bưởi có số ca mắc nhiều nhất (với hơn 60 ca). Chủ tịch UBND phường Bưởi Hoàng Thanh Hải cho biết, để chủ động phòng dịch, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường tại khu dân cư, hộ gia đình, đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý các dụng cụ phế thải, các vật dụng chứa nước không cần thiết…
Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết có khả năng lây nhiễm cao ảnh hưởng sức khỏe của người dân, UBND huyện Thạch Thất cũng yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tăng cường biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, tất cả UBND xã, thị trấn cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện những trường hợp nghi ngờ hoặc đã mắc sốt xuất huyết đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, đồng thời tổ chức kiểm tra, phát hiện những điểm công cộng nhiều rác thải, nước đọng, chủ động xử lý ổ bọ gậy có nguy cơ bùng phát dịch.
Phát huy vai trò của người dân
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng, như: Tràn dịch màng phổi, viêm phổi, sốc do thoát huyết tương nặng, chảy máu nội tạng, chảy máu não, tổn thương các tạng, tổn thương gan, rối loạn đông máu… Chính vì vậy, bác sĩ Phạm Văn Cường, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông lưu ý, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục (39-40 độ C), kéo dài 2-7 ngày, kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, sau nhãn cầu, đau cơ và khớp, sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban, xuất huyết dưới da kèm nôn dai dẳng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chảy máu lợi hoặc chân răng… Khi xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn, điều trị kịp thời.
Cũng theo bác sĩ Phạm Văn Cường, hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Vì vậy, người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường bằng những công việc, như: Đậy kín các dụng cụ chứa nước, không để muỗi vào đẻ trứng. Cọ rửa và thay nước ít nhất 1 lần/tuần với các dụng cụ chứa nước như xô, chum vại, lọ hoa, bể chứa đựng nước, đặc biệt lưu ý các loại cây cảnh thủy sinh trong nhà cũng cần được thay nước và cọ rửa bình 1 lần/tuần. Không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi. Do muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh hơn vào ban ngày, đặc biệt lúc sáng sớm và chiều tối nên người dân cần mặc quần, áo dài, nhất là khi làm vườn; mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày.
Song song với việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Chính quyền địa phương cần lưu ý kiểm tra và tổ chức vệ sinh môi trường tại các khu vực nguy cơ, các công trình xây dựng, vì đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất cao. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã cần có hướng dẫn chuyên môn cho trạm y tế xã, phường; khi có ca bệnh phát sinh cần xử lý ổ dịch ngay, không để dịch bùng phát.
“Các ngành, các cấp, các đoàn thể và người dân trên địa bàn huyện quyết tâm thực hiện phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Mỗi người dân hãy vì sức khỏe của chính mình, gia đình mình và của toàn thể cộng đồng, hãy tự mình hằng ngày, hằng tuần thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, nhất là diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi. Bởi vì không có lăng quăng, bọ gậy, không có muỗi vằn thì không có sốt xuất huyết”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận đề nghị.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, vai trò của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng. Vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tích cực hưởng ứng, tham gia vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần duy trì hoạt động của tổ xung kích diệt bọ gậy tại cộng đồng.
Nguồn báo Hà Nội mới