Nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19
Đến nay, cả nước đã có 118 phòng xét nghiệm có năng lực xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR (sinh học phân tử), trong đó có 70 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19, công suất xét nghiệm đạt hơn 31.000 mẫu/ngày.
Tăng công suất xét nghiệm
Sau hơn 3 tuần Việt Nam có ca mắc đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng, số ca mắc Covid-19 đã tăng rất mạnh. Đến sáng 11-8, Việt Nam đã có 847 người mắc Covid-19 và tính từ ngày 25-7 tới nay, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng đã tăng thêm 389 ca. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lây nhiễm nhiều trong cộng đồng, Bộ Y tế đã xác định rằng việc nâng cao năng lực, đẩy nhanh tốc độ và số lượng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là biện pháp ưu tiên hàng đầu để kịp thời phát hiện các ổ dịch, cũng như nhanh chóng triển khai các biện pháp dập dịch.
GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đã liên tiếp có các công điện khẩn đề nghị các địa phương phải tăng tốc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt và nhanh hơn nữa trong việc xét nghiệm, truy vết Covid-19. “Chúng ta phải phát hiện càng sớm càng tốt, phát hiện ổ dịch sớm chừng nào thì khống chế kiểm soát tốt chừng đó”, GS-TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh về vai trò của việc xét nghiệm Covid-19.
Để nâng cao năng lực xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế mới đây đã phối hợp BHXH Việt Nam ban hành hướng dẫn về xét nghiệm. Đây là động thái Bộ Y tế mong muốn mở rộng xét nghiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng BHXH, BHYT khi cả nước có tới 2.500 đơn vị thuộc diện này. “Chúng tôi mong muốn xét nghiệm được thực hiện ở mọi cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Khi người dân có yếu tố nguy cơ đến các cơ sở này sẽ được xét nghiệm và BHYT chi trả cho người dân”, GS-TS Nguyễn Thanh Long nêu rõ. Đồng thời ông cho biết, ngay từ khi có ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng ở Đà Nẵng, Bộ Y tế sử dụng tất cả các phương án để nâng cao năng lực xét nghiệm, tốc độ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong những tuần qua đã tăng cao gấp gần 3 lần, so với thời kỳ cao điểm dịch Covid-19 vào tháng 4-2020.
Chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến ngày 11-8, Hà Nội đã rà soát thống kê được 96.479 người về từ Đà Nẵng (trong đó 74.901 người về từ ngày 15-7). Trong khi năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR của Hà Nội có 4 máy RT- PCR công suất 1.000 mẫu/ngày, cùng với đó 11 bệnh viện (BV) của Hà Nội cũng thực hiện được xét nghiệm PCR, gồm 8 BV công lập và 3 BV ngoài công lập với tổng công suất khoảng 2.500 mẫu/ngày.
Với việc nhận được sự hỗ trợ của 4 đơn vị tuyến trung ương (BV Bạch Mai, Nhi Trung ương, Nhiệt đới Trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) xét nghiệm PCR 70.000 mẫu thì Hà Nội cũng đang nỗ lực nâng công suất xét nghiệm. Đối với việc đảm bảo vật tư phục vụ xét nghiệm PCR, Hà Nội đã nhận khoảng 30.000 bộ kit xét nghiệm và ống lấy mẫu cũng như vật tư lấy mẫu từ các nhà tài trợ. Đồng thời, CDC Hà Nội đã đặt lịch làm việc với Học viện Quân y và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thống nhất kế hoạch đáp ứng cung ứng ống mẫu môi trường để xét nghiệm cho người dân.
Cả tháng nay, các phòng xét nghiệm của BV Bệnh nhiệt đới TPHCM sáng đèn xuyên đêm. Hàng ngàn mẫu bệnh phẩm được đóng gói trong thùng giữ nhiệt, xếp hàng chờ đưa vào mã hóa để được tách chiết rồi đưa đi xét nghiệm tìm virus SAR-CoV-2. TS-BS Nguyễn Phú Hương Lan, Phó khoa xét nghiệm, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, từ 2 tháng nay, chị trực liên tục, đó không còn là nhiệm vụ mà là trách nhiệm.
Tại TPHCM, đã có 13 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2. Sở Y tế cũng đã rà soát 8 bệnh viện có đủ năng lực triển khai xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 là: Truyền máu Huyết học, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân Gia Định, Nhân dân 115, Nhi đồng 2, Phạm Ngọc Thạch, quận Thủ Đức, Quận 2. Sở Y tế yêu cầu 5 bệnh viện: Nhi đồng 2, Thủ Đức, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định và Nguyễn Tri Phương phải hoàn thiện nhanh để đi vào hoạt động sớm nhất. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc CDC TPHCM, tính hết ngày 10-8, thành phố ghi nhận 51.664 trường hợp người từ Đà Nẵng trở về (từ ngày 1-7) đã khai báo y tế tại 24 quận huyện. 47.247 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, 45.390 mẫu cho kết quả âm tính, 6 ca dương tính đang được điều trị tại BV Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi và BV Bệnh nhiệt đới TPHCM. Hiện còn khoảng 4.000 mẫu đang được các quận huyện tăng tốc hoàn tất lấy mẫu.
“Với đội ngũ 25 - 30 bác sĩ, kỹ thuật viên được chia 3 ca/ngày làm xét nghiệm 1.500 mẫu bệnh phẩm. Những người từ Đà Nẵng đến TPHCM trong khoảng thời gian từ 1-7 đến nay được phân loại theo nhóm nguy cơ để thực hiện khai báo y tế và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngay. Theo đó, nhóm người có triệu chứng sốt, ho, khó thở sẽ được cách ly y tế tại BV. Nhóm còn lại là những trường hợp đã từng đến BV, điểm nguy cơ tại Đà Nẵng hoặc có tiếp xúc với ca mắc Covid-19 xác định sẽ được cách ly kiểm dịch tại các khu cách ly tập trung”, bác sĩ Phan Thanh Tâm cho hay.
BS Nguyễn Thanh Long, Trưởng văn phòng Trung tâm Cúm quốc gia phía Nam, Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia về bệnh sởi và rubella - Viện Pasteur TPHCM cho biết, hiện 12 bác sĩ, kỹ thuật viên của phòng, có sự tăng cường nhân sự từ Khoa Vi sinh miễn dịch và các khoa chuyên môn khác của Viện Pasteur TPHCM, làm việc 3 ca liên tục 24/24 giờ, để cho kết quả xét nghiệm bình quân 2.000 - 2.500 mẫu/ngày. Đây đều là các chuyên gia, kỹ thuật viên “thiện xạ” nhất, được đào tạo bài bản tại các nước như Nhật, Mỹ, Pháp…
Chủ động đấu thầu thiết bị y tế
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:
Cơ quan BHXH đã đề nghị các địa phương thống kê ngay các cơ sở y tế có đủ năng lực xét nghiệm cả PCR và test nhanh để thông báo cho cơ quan BHXH địa phương nắm, từ đó chủ động trong việc phối hợp thực hiện. Trước những băn khoăn của nhiều địa phương về việc mua sắm, đấu thầu vật tư xét nghiệm, lãnh đạo BHXH Việt Nam lưu ý các cơ sở khám chữa bệnh phải tham khảo giá của các lần đấu thầu trước để có sự lựa chọn phù hợp. Về vấn đề chênh lệch giá khi đấu thầu, đề nghị các đơn vị chủ động báo cáo chính quyền địa phương để xem xét hỗ trợ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính):
Các mặt hàng khẩu trang, trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán, xét nghiệm và các vật tư y tế... không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, bình ổn giá, kê khai giá. Luật Đấu thầu và các văn bản liên quan đã có hướng dẫn phương thức mua sắm trong từng trường hợp. Trong trường hợp cần thiết, các địa phương có thể chủ động hơn bằng cách bổ sung một số thành phần có liên quan khi tham gia quá trình mua sắm để bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Các địa phương cần kích hoạt điều khoản mua sắm trong hoàn cảnh dịch bệnh, thực hiện mua được các sản phẩm tốt nhất, với giá cả hợp lý nhất để chống dịch đang diễn biến phức tạp.
Ông Bùi Anh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính):
Hệ thống văn bản pháp luật về đấu thầu đã có đầy đủ các quy định cho việc mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế (gồm: Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành). Trong đó, quy định đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt… Việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế và sinh phẩm phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế và địa phương có thể áp dụng mua sắm một trong các hình thức nêu trên, kể cả chỉ định thầu theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.
Do vậy, chủ đầu tư thuộc các bộ ngành và địa phương cần chủ động thực hiện thẩm quyền của mình đã được quy định trong pháp luật về đấu thầu; không phải chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính. Trường hợp cần thiết, các địa phương có thể quyết định thêm một số thành phần có liên quan ở địa phương tham gia quá trình mua sắm để đảm bảo đúng quy định về đấu thầu và phù hợp với điều kiện thực tế.
Nguồn báo Sài Gòn giải phóng