Mở rộng chương trình dự phòng phơi nhiễm HIV

Từ cuối năm 2018, Bộ Y tế thí điểm chương trình dự phòng phơi nhiễm HIV với sự tham gia của hơn 6.000 người tại 11 tỉnh, thành phố. Hiện, Bộ Y tế và các đối tác đã mở rộng triển khai dự án ra tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), năm 2017, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp tổ chức quốc tế USAIDS/PATH Healthy Markets (HM) và UNAIDS để khởi động chương trình thí điểm dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP). Chương trình được thí điểm năm 2018 tại 11 tỉnh, thành phố do PEPFAR (Quỹ hỗ trợ khẩn cấp của Mỹ) và Quỹ Toàn cầu hỗ trợ với hơn bảy nghìn người đăng ký sử dụng PrEP, trong đó 3.946 người mới tham gia PrEP năm 2019. Tỷ lệ khách hàng duy trì điều trị sau ba tháng đạt 84% và sau sáu tháng đạt 71%. Chỉ có hai trong số 7.517 khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP có kết quả xét nghiệm HIV (+), do một trường hợp phát hiện có đột biến kháng thuốc và một trường hợp HIV (+) do không tuân thủ điều trị PrEP. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng PrEP ngày càng cao. Quỹ Toàn cầu đã cam kết hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại cho Việt Nam để can thiệp phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nguy cơ cao này (vợ, bạn tình của người nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và cộng đồng người chuyển giới). Điều đó cho phép những người có nguy cơ nhiễm HIV cao có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP. Bà R. Xing, Giám đốc Văn phòng Y tế tại Việt Nam của USAIDS cho biết: Thời gian tới, USAIDS sẽ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy hơn nữa việc giúp những người trong nhóm nguy cơ cao có thể duy trì được sử dụng thuốc thường xuyên.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HIV ở phần lớn các nhóm có hành vi nguy cơ cao, và tỷ lệ nhiễm HIV đang có nguy cơ tăng cao với nhóm này. Với mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm HIV năm 2030, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, bên cạnh các biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV đối với những người nhiễm HIV (như điều trị ARV sớm và duy trì tải lượng HIV ở mức dưới 200 bản sao/ mL) thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV, là một phần trong chiến lược dự phòng HIV toàn diện. Các nghiên cứu cho thấy, nếu tuân thủ tốt có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục hơn 90% và tiêm chích ma túy hơn 70%. Bên cạnh việc điều trị ARV ngay từ khi có kết quả dương tính với HIV, những người chưa nhiễm HIV nhưng trong nhóm nguy cơ cao nên sử dụng PrEP để giữ an toàn tránh nhiễm HIV cho bản thân mình. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Đây cũng là cơ hội và điều kiện thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao được dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng với chi phí thấp và hiệu quả cao.

PrEP là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV góp phần quan trọng phòng ngừa lây nhiễm HIV. Nếu một người chưa nhiễm HIV khi dùng PrEP sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục không an toàn, hoặc sử dụng ma túy, bởi khi sử dụng liệu pháp này, thuốc sẽ hoạt động ngăn không cho vi-rút HIV gây ra nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, PrEP không phải là vắc-xin phòng HIV mà là một loại thuốc sử dụng hằng ngày để ngăn ngừa lây nhiễm HIV, sẽ mất hiệu lực khi ngừng thuốc. Chị Nguyễn Thu Trang (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Khi biết được thông tin về dự án này, gia đình tôi rất mừng. Chồng tôi là một người nghiện ma túy 10 năm qua, và mới bị nhiễm HIV ba năm nay. Mặc dù bản thân tôi cũng rất ý thức nhưng có những lúc sơ ý sẽ dễ dẫn đến mang căn bệnh thế kỷ. Cho nên, dự án PrEP chính là chiếc phao cứu sinh cho gia đình tôi. Tôi tham gia và ý thức tuân thủ uống thuốc đều đặn, vừa giữ gìn được cho bản thân, vừa góp phần chung tay ngăn chặn lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh, phương pháp này tuy không thay thế được vắc-xin HIV nhưng là một cách đơn giản nhất có thể giảm tới hơn 90% nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế trên thế giới. Đáng chú ý, với nhóm nguy cơ cao khi áp dụng PrEP hằng ngày thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%. Hiện tại, thuốc PrEP đang được các chương trình, dự án cấp miễn phí. Tuy nhiên, không phải ai có nguy cơ nhiễm HIV cũng dùng được PrEP. Bộ Y tế hướng dẫn những đối tượng sau không sử dụng được PrEP: Người có HIV dương tính hoặc chưa xác định được; người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HIV cấp tính; những người rối loạn chức năng thận; người dị ứng với thuốc (tenofovir và Emtricitabine); người phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ. Do đó, những đối tượng trong nhóm nguy cơ cao muốn dùng PrEP cần phải được bác sĩ tư vấn, khám và làm xét nghiệm. 

Nguồn báo Nhân dân

 


Các bài viết liên quan