Lo ngại dịch bùng phát trở lại

Trong 2 tuần gần đây, dịch COVID-19 tiếp tục nóng trở lại tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội, một số tỉnh Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và phía Bắc. Điều này dấy lên sự lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch trong một vài tháng tới nếu không ứng phó quyết liệt.

Cần sớm khống chế các “điểm lửa”

Ngày 15/11, Hà Nội ghi nhận 289 ca mắc mới, trong đó có 47 ca cộng đồng; TPHCM có 1.165 ca mắc, tăng 180 trường hợp so với ngày trước đó. Tại hội thảo mới đây, TS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, hiện nước ta đã khống chế được dịch nhưng tâm chấn của dịch COVID-19 sẽ quay lại châu Âu và sau đó có thể đến các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

TS. Kính phân tích, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, châu Âu sẽ có một đợt sóng mới. Về nguyên tắc, khi châu Âu bùng nổ thì sau 1-2 tháng dịch sẽ bùng lên tại châu Á, trong đó có Việt Nam. “Chúng ta đã trải qua 4 đợt dịch và đều như vậy. Châu Âu xuất phát trước và sau đó là chúng ta xuất hiện phía sau”, TS. Kính cho biết.

Theo chuyên gia truyền nhiễm Nguyễn Văn Kính, sau khi TPHCM và các tỉnh phía Nam mở cửa đã kéo theo làn sóng người dân về quê. Rất nhiều người đã mang mầm bệnh về và trở thành các “điểm lửa” ở địa phương.

“Nếu chúng ta không khống chế tốt thì những “điểm lửa” này sẽ làm cháy cả cánh rừng lớn. Chúng ta phải chuẩn bị cho một chiến lược để ngăn chặn việc bùng phát của đợt dịch mới này, trên diện rất rộng, tại 63 tỉnh, thành đều có ca mắc”, TS. Kính nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết: “Đây là điều đã được dự báo trước, nhưng lo nhất là làm sao kiểm soát được dịch không bùng phát mạnh, vì nhiều người chưa tiêm vắc xin, nên nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm COVID-19”.

Ông Phu lo ngại tỉ lệ tiêm vắc xin ở khu vực Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc còn thấp. Nếu bùng phát dịch, người bệnh diễn biến nặng, đáp ứng về y tế không kịp, sẽ dẫn đến tử vong.

Vì thế, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: “Cần phát hiện dịch sớm, xử lí ổ dịch. Xét nghiệm phát hiện ra ổ dịch sớm nhất, nếu để vỡ trận rất khó dập. Đó là phong tỏa hẹp nhất có thể, phong tỏa theo nguy cơ, đánh giá theo nguy cơ để đáp ứng cho phù hợp”.

Rất nguy hiểm nếu lơ là quy định 5K

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, việc tập trung đông người, đặc biệt là không tuân thủ 5K rất nguy hiểm, khiến dịch bệnh bùng phát mạnh bất cứ lúc nào. Khi được tiêm vắc xin người bệnh thường ít có triệu chứng nên rất khó xác định những người dương tính với SARS-CoV-2.

Vì vậy, việc tập trung đông người sẽ dễ lây lan dịch bệnh và khó khăn trong công tác truy vết, đưa tới nhiều hệ lụy khi lại phải xét nghiệm thần tốc, dựng bệnh viện thu dung, bệnh viện dã chiến…

Theo các chuyên gia, nguyên tắc chống dịch ứng dụng trong xây dựng chiến lược vẫn phải là ngăn chặn, phát hiện sớm, tổ chức cách li hiệu quả, điều trị hiệu quả và kết hợp tạo miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin. Điều cần lưu ý là tiêm vắc xin có lợi ích giảm nguy cơ tử vong nhưng không giảm được mắc và lây nhiễm. Quan trọng nhất là phát hiện sớm ca bệnh. Khi dịch vẫn ở cấp độ 1,2,3 thì vẫn nên duy trì điều trị tập trung, thay vì cách li F0 tại nhà, như thế mới cắt đứt được nguồn lây nhanh nhất.

Sau gần 1 tháng nới lỏng giãn cách, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên có xu hướng tăng trở lại trong những ngày gần đây do sự gia tăng việc giao lưu và sự chủ quan của một bộ phận người dân.

Tại một số tỉnh phía Nam, mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng nên khó khăn trong việc khống chế nhanh các ổ dịch. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch.

Nguồn báo Tiền phong

 


Các bài viết liên quan