Lên kế hoạch tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19

Ngày 24.11, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng; rà soát, thống kê các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi, chuẩn bị xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3 với các trường hợp đủ thời gian, ưu tiên người trên 50 tuổi… Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết trong gần 136 triệu liều vắc xin Covid-19 đã tiếp nhận, Bộ đã phân bổ hơn 135,15 triệu liều cho các địa phương; số còn lại mới được tiếp nhận, cần tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin, dự kiến phân bổ trong tuần tới. Trong số đã tiếp nhận, vắc xin AstraZeneca có 47,5 triệu liều, Pfizer và Moderna 33,326 triệu liều, Sinopharm 48,7 triệu liều, Abdala 5,15 triệu liều và Sputnik V 1,217 triệu liều. Đến nay, vắc xin từ nguồn ngân sách nhà nước là hơn 64,734 triệu liều, nguồn viện trợ từ COVAX (cơ chế toàn cầu cho việc mua và phân phối công bằng vắc xin Covid-19) hơn 28 triệu liều, nguồn viện trợ chính phủ các nước hơn 16,47 triệu liều và nguồn doanh nghiệp tài trợ hơn 26,59 triệu liều. Đến chiều 24.11, cả nước đã tiêm được hơn 113 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó gần 3 triệu liều tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi.

Bệnh viện dã chiến ở miền Tây quá tải

Mấy ngày qua, số ca nhiễm Covid -19 tại các tỉnh, thành miền Tây liên tục tăng cao, xấp xỉ 4.000 ca/ngày. Riêng ngày 23.11, toàn khu vực ghi nhận đến 4.230 ca mắc; trong đó TP.Cần Thơ và 2 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp chiếm gần một nửa, với tổng cộng 2.016 ca.

Sở Y tế Cần Thơ đánh giá Cần Thơ đang ở đỉnh dịch, ca nhiễm mới tăng nhanh, xấp xỉ 1.000 ca/ngày. Hiện các bệnh viện dã chiến đều đã hết công suất. Đáng lo nhất là còn 129 bệnh nhân nặng đang nằm điều trị ở tầng 3. Trước tình trạng quá tải của các bệnh viện dã chiến, ngành y tế Cần Thơ đã cho triển khai điều trị F0 tại nhà, với hơn 5.000 F0.

Đồng Tháp trong nhiều ngày liên tiếp vừa qua, số ca mắc mới luôn duy trì ở mức hơn 500 ca/ngày. Tỉnh đã áp dụng cho F0 nhẹ, không triệu chứng, đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin được cách ly, điều trị tại nhà để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến.

Trong khi đó, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết tình trạng số ca mắc tăng cao đột biến ở TP.Vĩnh Long và TX.Bình Minh; có công ty đến một nửa công nhân mắc Covid-19. Trước tình trạng số ca mắc mới tăng cao liên tục, tỉnh đã kích hoạt thêm 1 bệnh viện dã chiến số 7 tại ký túc xá Trường ĐH Xây dựng miền Tây, với quy mô 1.000 giường thực hiện thu dung, điều trị F0.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, tỷ lệ bao phủ vắc xin hiện nay của khu vực 13 tỉnh, thành miền Tây đã tăng cao so với thời điểm đầu tháng 10.2021, trong đó mũi 1 bình quân trên 80%, mũi 2 trên 50%.

Chấn chỉnh các biểu hiện lơ là

Sau 3 ngày liên tiếp có số ca nhiễm Covid-19 tăng hơn 110 ca/ngày, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu đã ký công điện khẩn yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương chấn chỉnh những biểu hiện lơ là, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ làm công tác chống dịch; đồng thời, động viên khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, cá nhân làm tốt nhiệm vụ.

Với hơn 5.544 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế (99 bệnh nhân đã tử vong), lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết tình hình dịch Covid-19 tại địa phương vẫn diễn ra hết sức phức tạp, khó lường. UBND tỉnh Bình Thuận nhận định nếu không có biện pháp quyết liệt khống chế hiệu quả, có thể Bình Thuận sẽ phải đối mặt với tình trạng mất kiểm soát dịch Covid -19.

Tại Quảng Nam, từ 0 giờ ngày 24.11, TP.Tam Kỳ cũng đã tạm dừng hoạt động quán bar, pub, karaoke, massage, spa, thẩm mỹ viện, internet, game, rạp chiếu phim, bida, phòng tập thể hình, thể dục thẩm mỹ, yoga và các trung tâm tin học, ngoại ngữ, lớp bồi dưỡng kiến thức, năng khiếu, hoạt động giảng dạy tại nhà... trong vòng 14 ngày, để phòng chống dịch.

TP.HCM đề xuất 6 chiến lược lớn

Ngày 24.11, báo cáo UBND TP.HCM, Sở Y tế đề xuất 6 chiến lược lớn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn để triển khai thực hiện: Tiếp tục bao phủ vắc xin; nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo, xử lý dịch; quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; truyền thông nâng cao ý thức 5K; củng cố và nâng cao năng lực hệ thống y tế…

Trong một diễn biến khác, trước tình hình dịch bệnh gia tăng trở lại, UBND TP.HCM chỉ đạo UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cần chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với tình huống dịch phát sinh; Sở Y tế sẵn sàng các tình huống khám, chữa bệnh… 

Nguồn báo Thanh niên

 


Các bài viết liên quan