Kiểm soát dịch để sớm ổn định cuộc sống
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP (Nghị quyết 86) về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố khẩn trương lập kế hoạch, đưa ra hàng loạt giải pháp quyết liệt, nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch theo đúng tiến độ nghị quyết đề ra.
Nỗ lực kiểm soát dịch
Sau ba tuần tăng cường thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (từ ngày 23/7 đến 15/8), TP Hồ Chí Minh đạt kết quả bước đầu trong kiềm chế dịch bệnh, kéo giảm tốc độ lây nhiễm. Do chưa chặn đứng được ca mắc mới trong cộng đồng và khu phong tỏa, ngày 15/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch 2715 thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 86. Thành phố phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch trước ngày 15/9. Kế hoạch được chia làm ba giai đoạn, với từng mục tiêu cụ thể. Giai đoạn 1 từ ngày 15 đến 22/8, nỗ lực kéo giảm tỷ lệ người chết do Covid-19; không để xảy ra trường hợp người bệnh chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị. Trong giai đoạn này, thành phố xác định chiến lược chuyển đổi "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng"; mở rộng "vùng xanh" tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Ở giai đoạn 2, từ ngày 23 đến 31/8, tập trung mở rộng "vùng xanh"; phấn đấu kiểm soát được dịch tại các quận, huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, quận 7, quận 11. Trong giai đoạn 3, từ ngày 1 đến 15/9, thành phố nỗ lực duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng; số lượng người nhập viện điều trị dưới 2.000 người/ngày và không vượt quá số người xuất viện/ngày. Thành phố bảo đảm hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2. Hiện nay, thành phố phối hợp và thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế triển khai chiến lược cách ly, chăm sóc, điều trị các ca F0 tại nhà. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên yêu cầu: "Trọng tâm là xét nghiệm tại nhà, điều trị tại nhà và an sinh tại nhà. Do đó, thành phố tổ chức xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm tại nhà và cộng đồng kịp thời phát hiện các F0 và hướng dẫn điều trị tại nhà. Đồng thời cấp phát thuốc và cung cấp lương thực, thực phẩm cho F0 tại nhà, để không làm lây nhiễm ngoài cộng đồng".
Tại Đồng Nai, để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 1/9 theo Nghị quyết 86, tỉnh tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 17/8 đến hết ngày 31/8. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai Bạch Thái Bình cho biết, từ ngày 18 đến 31/8, sẽ huy động tất cả nhân lực, thiết bị phối hợp lực lượng y tế chi viện của các tỉnh để thực hiện chiến dịch xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 trên diện rộng cho khoảng 2,1 triệu người, gồm tất cả người dân tại vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, đại diện hộ gia đình tại vùng nguy cơ và 20% đại diện hộ gia đình vùng bình thường mới. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, ngoài lực lượng y tế, địa phương huy động nhân lực của nhiều sở, ngành để phục vụ chiến dịch, với mục tiêu bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng.
Mục tiêu của tỉnh Long An là từ nay đến ngày 30/8 tập trung mọi giải pháp giữ "vùng xanh" làm hậu phương vững chắc cho "vùng đỏ". Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được chỉ đạo các địa phương tập trung phòng, chống dịch bằng cả "ba mũi giáp công", gồm xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết để tách F0 ra khỏi cộng đồng; tập trung tiêm vắc-xin cho người dân "vùng đỏ", kế đến là "vùng xanh"; yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16. Trong 10 ngày qua tỉnh đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho gần 343.400 người trên tổng số 389.870 liều vắc-xin được cấp.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bình Dương đã thành lập hai tổ công tác đặc biệt trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch đối với "vùng xanh" (gồm các huyện: Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bàu Bàng) và "vùng đỏ" (gồm các thành phố: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát). Tỉnh tiếp tục giãn cách xã hội trên phạm vi các thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát, Tân Uyên kể từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 31/8, giãn cách xã hội các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo kể từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 22/8. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm mạnh "vùng đỏ", "xanh hóa" địa bàn, xây dựng và bảo vệ "vùng xanh", sớm đưa các địa phương về trạng thái "bình thường mới bền vững".
Để kiểm soát dịch trước ngày 25/8, TP Hà Nội đã xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng cho người dân. Từ ngày 10 đến hết ngày 15/8, các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đã lấy được 313.010 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, qua đó đã phát hiện 29 ca dương tính. Từ ngày 15/8, thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại những khu vực nguy cơ cao, khu vực trọng điểm để từng bước thiết lập lại các vùng an toàn, lập "vùng xanh" trong "vùng đỏ" như mô hình phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) đang thực hiện. Đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin, tính đến hết ngày 15/8, đã có hơn 1,5 triệu người dân Hà Nội được tiêm (chiếm 25,3% dân số).
Bảo đảm an sinh xã hội và an toàn sản xuất
Các địa phương đang khẩn trương triển khai nhiều gói an sinh xã hội. TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị một triệu túi an sinh để sẵn sàng hỗ trợ người dân khó khăn trong tháng 8 và tháng 9. Gói an sinh xã hội lần này sẽ hỗ trợ tiền nhà trọ, lương thực, thực phẩm cho công nhân lao động, học sinh, sinh viên, những người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai thiếu đói. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, đến nay đã có gần 1,48 triệu lao động Hà Nội được hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm; gần 27.000 lao động được hỗ trợ trực tiếp, có thêm nguồn kinh phí trang trải cho cuộc sống. Ngày 13/8, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội ban hành nghị quyết hỗ trợ 345 tỷ đồng cho khoảng 324.000 người thuộc 10 nhóm đối tượng, gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, người nghỉ việc không lương..., và bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội để người lao động và người sử dụng lao động được vay vốn phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý cho biết, các cấp công đoàn đang tăng cường hỗ trợ người lao động, nhất là đối với công nhân ở trọ trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Tỉnh đã hỗ trợ hơn 22 nghìn phần quà cho công nhân, với tổng kinh phí gần 6,4 tỷ đồng. Ngoài ra, các công đoàn cơ sở cùng với người sử dụng lao động kịp thời hỗ trợ người lao động với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Tỉnh Bình Dương đã bố trí hơn 480 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân với mức 300 nghìn đồng/người, ngân sách dự kiến chi 240 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp các tổ chức thành viên hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho khoảng 700 nghìn lao động ở trọ có hoàn cảnh khó khăn, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/người… Ngày 14/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký Quyết định về việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ trên địa bàn tỉnh, với mức 500 nghìn đồng/người, thời gian áp dụng trong tháng 8/2021. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chuyển hơn 164 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 353.560 người thuộc các nhóm đối tượng. Bảo hiểm xã hội đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 5.237 tổ chức, cơ quan và đơn vị, với hơn 296.100 người, tổng số tiền được giảm hơn 104 tỷ đồng…
Các địa phương đều quyết liệt thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch để duy trì sản xuất. Tỉnh Bình Dương có gần 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động, đến ngày 30/7, có 3.662 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp đăng ký thực hiện phương án "ba tại chỗ" và "một cung đường, hai địa điểm" với 393.344 công nhân. Tuy nhiên, trong nửa tháng qua đã có nhiều doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động vì gặp khó khăn khi triển khai phương án. Để tổ chức lại sản xuất của các doanh nghiệp trong tình hình mới, tỉnh giao Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh phê duyệt phương án tổ chức lại sản xuất của doanh nghiệp trong KCN, Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt phương án tổ chức lại sản xuất của doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp. Sở Công thương thí điểm phương án sản xuất đối với một số doanh nghiệp, qua đó rút kinh nghiệm triển khai nhân rộng mô hình; đơn vị nào thực hiện phương án phải ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân theo nguyên tắc phải xác định được công nhân ở "vùng xanh", nghiên cứu cấp thẻ xanh cho công nhân "vùng xanh".
Tỉnh Đồng Nai yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện một trong ba phương án, đó là: "ba tại chỗ", "một cung đường, hai địa điểm" hoặc kết hợp hai phương án trên. Hiện, có 1.156 doanh nghiệp ở Đồng Nai đăng ký sản xuất theo mô hình "ba tại chỗ". Đến nay, có 40 doanh nghiệp xin dừng sản xuất do có dịch lây lan trong nhà máy. Tỉnh đang tách các F0 và đánh giá lại tình hình, doanh nghiệp nào thật sự an toàn mới cho tiếp tục sản xuất để bảo đảm sức khỏe cho công nhân.
Nguồn báo Nhân dân