Kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở khu vực biên giới
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế về việc tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới.
Theo đó, trong thời gian gần đây, số trường hợp nhiễm Covid-19 trên thế giới đã có xu hướng giảm cả về số mắc và tử vong; thế nhưng, số mắc, tử vong vẫn tăng ở một số khu vực trên thế giới.
Đồng thời, các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác vẫn tiếp tục được ghi nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới, như: bệnh bại liệt (chủng hoang dại) tại khu vực châu Phi và Địa Trung Hải, cúm gia cầm tại khu vực châu Âu, bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em tại 33 nước.
Ngoài ra, tính đến ngày 17/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhận được báo cáo về 2.103 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 42 quốc gia ở 5 khu vực WHO quản lý.
Đặc biệt, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận một ca mắc đậu mùa khỉ là người nhập cảnh, mang quốc tịch Anh. Bệnh nhân 42 tuổi, làm tiếp viên hàng không.
Để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới, Cục Y tế dự phòng đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm, đầy đủ các hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa…
Riêng việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải theo đúng quy trình kiểm dịch y tế; thu giá kiểm dịch y tế theo mức thu được quy định tại Thông tư số 240 năm 2016 của Bộ Tài chính và Thông tư số 51 năm 2016 của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu, trong đó cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng.
Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch, đề xuất danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế thường xuyên và trong trường hợp có dịch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư số 17 năm 2021 của Bộ Y tế.
Cùng với đó, các đơn vị cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để tổ chức tập huấn kỹ thuật chuyên sâu cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế.
Cập nhật thường xuyên, kịp thời các thông tin về các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới ghi nhận gần đây, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng chống phối hợp ngay tại cửa khẩu.
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 5: “Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới ngăn chặn dịch bệnh mới nổi”.
Nguồn báo Nhân dân