Không để dịch COVID-19 bùng phát trở lại
Trong 2 tuần vừa qua, Việt Nam ghi nhận tăng ca mắc COVID-19 do biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 xâm nhập trong cộng đồng. Cùng với đó, dịch cúm A, sốt xuất huyết đang gia tăng, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập.
Cùng lúc ứng phó với 4 loại bệnh truyền nhiễm, nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch chồng dịch sẽ gây quá tải hệ thống y tế, tăng ca bệnh nặng và tăng nguy cơ tử vong.
Theo Bộ Y tế, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng. Có ngày số ca mắc tăng lên hơn 1,7 nghìn người. Trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 tăng hơn 40% so với 7 ngày trước đó, ca bệnh nặng cũng tăng cao hơn, có ngày lên tới 51 trường hợp. Ngoài ra, cả nước cũng ghi nhận 1 bệnh nhân tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Tại nhiều nước đã ghi nhận dịch đã bùng phát trở lại. Tổ chức Y tế thế giới vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu. Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vaccine và nguy cơ tăng bệnh nặng, tăng tử vong.
Tuy dịch COVID-19 tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát, song theo Bộ Y tế, đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc bệnh, các ca nhập viện và các ca chuyển nặng trong thời gian gần đây cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước đây.
Ngoài COVID-19, Việt Nam đang gia tăng ca mắc cúm. Theo Bộ Y tế, hàng năm nước ta vẫn ghi nhận từ 600.000-1.000.000 trường hợp mắc virus cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển hè – thu, đông – xuân. Tuy nhiên, năm nay cúm lại gia tăng bất thường vào mùa hè. Cùng lúc 2 bệnh truyền nhiễm là COVID-19 và cúm song hành, nhưng người dân hiện nay khá chủ quan, đi đến nơi đông người, nơi có nguy cơ cao hầu như không đeo khẩu trang. Hà Nội đã ghi nhận trường hợp thai phụ vừa mắc cúm, vừa mắc sốt xuất huyết.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, việc xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể vẫn tiếp tục, nếu không tiêm vaccine mũi nhắc lại sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian, dẫn đến tăng nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Các biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 tuy không gây bệnh nặng như Delta, nhưng nếu tăng ca mắc sẽ quá tải hệ thống y tế, ca bệnh nặng tăng và sẽ tăng nguy cơ tử vong nếu y tế không đáp ứng được.
“Chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch trên thế giới để có biện pháp chủ động ứng phó. Trong nước vẫn phải duy trì biện pháp phòng dịch, người dân nên tiêm vaccine mũi tăng cường, mũi nhắc lại; đeo khẩu trang ở nơi có nguy cơ cao, đặc biệt không chỉ phòng COVID-19 mà khẩu trang còn giúp ngăn ngừa lây nhiễm cúm”, ông Phu nói.
Để dịch COVID-19 không bùng phát trở lại, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các địa phương và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, TP chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động, ngay cả khi dịch bùng phát trở lại. Bên cạnh đó, chủ động các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại các cửa khẩu và các dịch bệnh lưu hành có nguy cơ bùng phát.
Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm được hơn 245 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tiến độ tiêm mũi 3, 4 và tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5-11 tuổi còn chậm. Nhiều người vẫn từ chối tiêm mũi 3, 4. Để tăng miễn dịch trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra, không để vaccine bị “ế” phải huỷ bỏ. (Công an nhân dân, trang 7; Nhân dân, trang 5).
Nguồn báo Nhân dân