Không để dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng

Sốt xuất huyết (SXH) là một trong những căn bệnh do muỗi truyền bệnh có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất trên thế giới. Trong 50 năm qua, số người mắc SXH đã tăng gấp 30 lần tại 128 quốc gia và vùng lãnh thổ; có khoảng 3,9 tỷ người trên toàn cầu sống trong vùng có bệnh SXH. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hằng năm có từ 50 đến 100 triệu người mắc bệnh và khoảng 24 nghìn người chết do SXH. Ðáng chú ý, khoảng 70% số người mắc SXH là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và bệnh có xu hướng ngày càng tăng, nhất là ở các quốc gia Ðông - Nam Á.

Ðể kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN trong phòng, chống SXH, hướng tới một cộng đồng ASEAN không có SXH, tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN tổ chức tại Xin-ga-po năm 2010, WHO và đại diện 10 nước thành viên ASEAN đã thông qua quyết định thống nhất chọn ngày 15-6 hằng năm là Ngày ASEAN phòng, chống SXH. Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH là một cơ hội để Việt Nam và các nước trong khu vực tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, giám sát tình hình dịch bệnh tại mỗi quốc gia và khu vực.

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm công tác phòng, chống SXH và đã đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia, nhờ đó góp phần đạt ba mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc; giảm tỷ lệ chết và không để dịch lớn xảy ra. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu vùng nhiệt đới; tốc độ đô thị hóa nhanh, sự giao lưu giữa các vùng, quốc gia… làm cho việc kiểm soát, phòng, chống SXH ngày càng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, SXH vẫn tiếp tục lưu hành ở nước ta với số người mắc hằng năm khoảng hơn 100 nghìn và hàng trăm trường hợp chết. Theo số liệu của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 32 nghìn người mắc SXH, giảm 55,4% so cùng kỳ năm 2019; tuy nhiên những tuần trở lại đây, tình hình SXH ở nước ta có xu hướng gia tăng trở lại tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam và miền trung.

Thực tế này đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch SXH trong nước. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp tổ chức vệ sinh môi trường, phun hóa chất, diệt bọ gậy, thả cá… tại các khu vực có nguy cơ gây bệnh cao. Các đơn vị y tế giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, phát hiện dịch ngay ca đầu tiên, tổ chức phun hóa chất dập dịch tránh để lây lan; tổ chức tập huấn cho toàn hệ thống, nhất là cán bộ điều trị làm sao chẩn đoán đúng, sàng lọc phân tuyến hiệu quả, điều trị tích cực tránh quá tải, giảm thấp nhất số người chết nếu dịch xảy ra…

Tại các địa phương, tiếp tục rà soát, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích, tổ giám sát phòng, chống SXH… bảo đảm đúng tiêu chí về số lượng, thành phần và số hộ phụ trách. Trong đó, yêu cầu lực lượng này phải đến từng hộ gia đình để hướng dẫn và trực tiếp thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, kiểm tra kết quả thực hiện. Cần kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể không hợp tác, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, lãnh đạo các đơn vị trong kiểm tra, giám sát việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch…

Mặt khác, mọi người dân, mỗi hộ gia đình cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền, cơ quan chuyên môn thực hiện các chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất, vệ sinh môi trường, với phương châm “phòng, chống SXH là trách nhiệm của tất cả mọi người và toàn xã hội”. Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của ngành y tế, nhất là sự tham gia tích cực của người dân, dịch bệnh SXH sẽ được ngăn chặn, không lây lan trong cộng đồng, góp phần cùng các nước ASEAN từng bước khống chế, đẩy lùi dịch SXH. 

Nguồn báo Nhân dân

 


Các bài viết liên quan