Khóa đào tạo “Quản lý chất lượng phòng xét nghiệm”

Việc duy trì và nâng cao độ chính xác, thời gian, độ tin cậy là những thách thức chính đối với các phòng xét nghiệm y tế. Đảm bảo chất lượng xét nghiệm liên quan đến toàn bộ các hoạt động trong hệ thống quản lý phòng xét nghiệm. Tất cả các khía cạnh của việc thực hiện xét nghiệm gồm cấu trúc tổ chức, các quá trình và quy trình cần được xác định để đảm bảo về chất lượng. Từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh, tiết kiệm nguồn lực của xã hội, đồng thời hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và thế giới. Để hệ thống quản lý chất lượng hoạt động tốt, cấu trúc và việc quản lý phòng xét nghiệm phải được sắp xếp để những chính sách chất lượng có thể được thiết lập và được thực hiện với 12 thành tố cấu thành hệ thống quản lý chất lượng.

Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực Y tế công cộng thiết yếu khi vực miền Bắc Việt Nam giai đoạn 2016-2021” do CDC Hoa Kì tài trợ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) sẽ triển khai các hoạt động nâng cao năng lực Quản lý chất lượng xét nghiệm cho các cơ sở y tế khu vực miền Bắc và miền Trung nhằm đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng xét nghiệm của quốc gia (Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017 của Bộ Y tế) và quốc tế (tiêu chuẩn ISO 15189). Các hoạt động dự kiến bao gồm: 03 khóa tập huấn cho cán bộ phòng xét nghiệm về các nội dung liên quan đến Quản lý chất lượng và cử khoảng 05 đợt chuyên gia đến hỗ trợ kĩ thuật tại đơn vị trong năm 2022. 

Khóa đào tạo thứ nhất có sự tham gia của 41 học viên từ 13 đơn vị ngày 10-12/8/2022, có một số học viên đăng ký thêm (ngoài danh sách được mời), với nội dung đào tạo về 5 thành tố: Tổ chức và trách nhiệm quản lý, tài liệu và hồ sơ, quản lý nhân sự, quản lý trang thiết bị, mua sắm và quản lý vật tư, sinh phẩm, hóa chất. Sau 3 ngày tập huấn, các học viên tham gia đầy đủ các bài giảng, thực hành làm bài tập nhóm, thảo luận và trình bày các hoạt động. Bài kiểm tra đầu ra, các học viên đã nắm vững các kiến thức và đạt điểm khá, giỏi trở lên. Cuối khóa, các đơn vị cùng giảng viên đã thống nhất kế hoạch hoạt động tiếp theo nhằm áp dụng các nội dung đã học và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng tại các phòng xét nghiệm.

Ths. Thanh Huyền  - TT ĐBCLXN và Kiểm chuẩn

 


Các bài viết liên quan