Khó khăn, thách thức trong loại trừ sốt rét

Hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các địa phương trong cả nước đang triển khai lộ trình tiến tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Những khó khăn, thách thức của chiến lược phòng chống sốt rét trước đây cũng chính là những khó khăn, thách thức của chiến lược loại trừ sốt rét đang triển khai. Vì vậy cần phải khắc phục vấn đề này mới có thể thực hiện lộ trình loại trừ sốt rét có kết quả.

Sốt rét được xác định là một bệnh xã hội, vì vậy vấn đề kinh tế - xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai chiến lược phòng chống sốt rét trước đây và loại trừ sốt rét hiện nay. Ngoài ra, sự khó khăn về nguồn lực để thực hiện biện pháp cũng làm hạn chế việc thực hiện các biện pháp của chiến lược đạt hiệu quả.

Xét nghiệm lam máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét trong phòng chống và loại trừ bệnh. (Ảnh: NVH)

Xét nghiệm lam máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét trong phòng chống và loại trừ bệnh. (Ảnh: NVH)

Khó khăn, thách thức về kinh tế xã hội

Qua phân tích tình hình thực tiễn, tại nước ta người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao, chủ yếu là người nghèo; người đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc, khu vực biên giới... Đồng thời sự gia tăng tình trạng giao lưu, đi lại của người dân qua biên giới ở giữa các quốc gia, đặc biệt với Lào và Campuchia là nơi có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét vẫn còn cao và có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc; cũng có thể là người lao động từ một số nước châu Phi trở về... đã làm tăng nguy cơ lan truyền sốt rét, gây dịch sốt rét. Sự gia tăng di biến động dân giữa các địa phương theo mùa vụ nông lâm nghiệp từ vùng không còn sốt rét vào vùng sốt rét lưu hành để làm kinh tế sẽ làm tăng nguy cơ mắc là lan rộng sốt rét cho cả nơi có dân đi và nơi có dân đến. Tập quán của người dân đi làm rừng, làm nương rẫy và ngủ lại qua đêm thường có tỷ lệ sử dụng màn chống muỗi và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác còn thấp nên có nguy cơ mắc bệnh cao. Chất lượng chẩn đoán và điều trị sốt rét tại tuyến y tế cơ sở của nhiều địa phương còn thấp nên việc phát hiện và điều trị cho bệnh nhân sốt rét thường muộn, ảnh hưởng đến kết quả điều trị và phòng chống dịch. Ngoài ra, tình hình ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum kháng thuốc artemisinin và dẫn xuất đã được phát hiện tại 5 tỉnh Bình Phước, Đăk Nông, Gia Lai, Quảng Nam và Khánh Hòa có nguy cơ lan rộng tới những địa phương khác trên toàn quốc sẽ làm hạn chế kết quả điều trị nếu không có những biện pháp khống chế kịp thời và hiệu quả. Muỗi truyền bệnh Anopheles minimus và Anopheles dirus gây ra sự lây nhiễm sốt rét thay đổi tập tính thường trú đậu và đốt người ở ngoài nhà nên đã gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống bằng biện pháp phun hóa chất tồn lưu diệt muỗi và tẩm màn ngủ với hóa chất diệt muỗi; sự xuất hiện của muỗi Anopheles epiroticus kháng lại với hóa chất diệt muỗi nhóm pyrethroide tổng hợp thường hay sử dụng cũng là một khó khăn gặp phải.

Khó khăn về nguồn lực

Trong chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét, nguồn lực là yêu cầu quan trọng để bảo đảm việc thực hiện các biện pháp triển khai. Tuy vậy, nguồn kinh phí được cấp từ nhà nước còn hạn chế và không ổn định; trong khi đó nguồn kinh phí viện trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài có xu hướng giảm nên các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét gặp nhiều khó khăn. Đồng thời tổ chức mạng lưới y tế làm công tác phòng chống và loại trừ sốt rét tại tuyến cơ sở của nhiều địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa...; vì vậy cần được củng cố và bổ sung nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, một số vùng có số người mắc sốt rét giảm thấp hoặc không ghi nhận có trường hợp bệnh nhân sốt rét trong nhiều năm liền dẫn đến tình trạng chủ quan, không chú ý đến công tác phòng chống và loại trừ sốt rét nên không có sự quan tâm, đầu tư đúng mức về nguồn lực con người lẫn kinh phí.

Nguồn báo Sức khỏe và đời sống

 


Các bài viết liên quan