Khẩn cấp đề phòng bệnh đậu mùa khỉ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo động mức cao nhất về căn bệnh đậu mùa khỉ, hiện đã lây nhiễm cho gần 16.000 người ở 75 quốc gia trên thế giới. Đồng thời WHO khuyến cáo những vấn đề liên quan đến việc tiêm vaccine phòng ngừa căn bệnh này.
Đậu mùa khỉ là một căn bệnh do virus có cùng "họ hàng" với bệnh đậu mùa phổ biến gây ra, đó là virus thuộc chi Orthopoxvirus. Trước đây, trong y văn ghi nhận các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm (tiếp xúc với chăn, ga, gối, đệm, vải trải giường, quần áo, khăn mặt,…) của người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Y văn cũng chưa ghi nhận việc bệnh đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục hay không. Tuy nhiên, theo thông tin từ WHO, nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và người song tính. Tuy vậy, vấn đề này còn phải được nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra kết luận chắc chắn có tính thuyết phục cao nhằm giúp phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ tốt hơn.
Đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh) hoặc do tiếp xúc với người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ qua các dụng cụ đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày (chăn, ga, gối, đệm, vải trải giường, quần áo, khăn mặt,…) hoặc do sống chung với người đang mắc bệnh đậu mùa khỉ thì khả năng nhiễm bệnh thường khá cao.
Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hoặc tiếp xúc trực tiếp với động vật bị bệnh đậu mùa khỉ cũng là những nguyên nhân có thể dẫn đến mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Căn bệnh này cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi và dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh.
Trẻ sơ sinh tiếp xúc gần với mẹ trong quá trình sinh nở và sau khi sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu mẹ đang mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Tuy tiếp xúc gần với người bệnh được xem như một yếu tố nguy cơ làm lây lan bệnh đậu mùa khỉ nhưng các chuyên gia cho rằng, vẫn chưa thể kết luận được việc căn bệnh này có lây truyền qua đường tình dục hay không.
Cần phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với triệu chứng của nhiều bệnh khác
Nếu một người không may mắc bệnh đậu mùa khỉ thì thời gian ủ bệnh và phát hiện triệu chứng thông thường từ 5 đến 21 ngày, tức là sau thời gian đó các triệu chứng đầu tiên của bệnh mới bắt đầu xuất hiện. Tuy vậy, có một số trường hợp, thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng từ 7 đến 14 ngày.
Thời kỳ toàn phát, các triệu chứng bao gồm sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên), đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng, các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi uể oải, nổi hạch.
Sau khi có biểu hiện sốt, từ 1 đến 3 ngày người bị bệnh có thể bị phát ban (cần phân biệt phát ban do đậu mùa khỉ và phát ban trong một số bệnh khác như thủy đậu, bệnh tay chân miệng, dị ứng da, sởi...).
Các nốt phát ban có thể xuất hiện ở trên khắp gương mặt (95% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phát ban trên mặt), lòng bàn tay, bàn chân (tỷ lệ phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân cũng tương đối cao, lên đến khoảng 75%), miệng, mắt (bao gồm cả giác mạc và kết mạc), cơ quan sinh dục ngoài…
Các nốt phan ban ban đầu chỉ hơi sần trên bề mặt da và sau đó phát triển nghiêm trọng hơn, trở thành mụn nước, sưng to rồi dần chuyển sang mụn mủ, sau đó khô lại, đóng vảy và xẹp xuống.
Thông thường, các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự khỏi, người bệnh không cần thực hiện các biện pháp điều trị đặc biệt. Một số các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh diễn tiến nặng, biến chứng, khả năng tử vong cao như người mắc bệnh có tiếp xúc lâu dài với virus, trẻ em, người có hệ miễn dịch kém,….
Chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật sinh học phân tử PCR (Polymerrase Chain Reaction) xác nhận sự có mặt của DNA variola trong bọng nước hoặc mụn mủ. Hoặc xác định virus bằng kính hiển vi điện tử hoặc nuôi cấy tế bào rồi xác định bằng PCR.
Phòng bệnh đậu mùa khỉ
Tuy nước ta chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nhưng cần cách giác. Khi nghi ngờ bị bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám bệnh và cách ly.
Cần thường xuyên thực hiện ăn chín, uống chín. Chỉ ăn thịt động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.
Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác.
Người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được cách ly ngay lập tức và tránh tiếp xúc với người lành. Các cơ quan y tế cần theo dõi chặt chẽ và giám sát biên giới nơi có giao thương với các nước, đồng thời truy vết và cách ly ngay tức khắc khi nghi có bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ
Khi dịch bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu có dấu hiệu phức tạp, WHO đã ban hành hướng dẫn về chủng ngừa để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 14/6/2022, nêu rõ 5 điểm cụ thể: không cần tiêm phòng hàng loạt (có nghĩa là không cần tiêm đại trà) tại thời điểm này.
Đối với các trường hợp tiếp xúc: nên dự phòng sau phơi nhiễm bằng vaccine thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3 thích hợp, lý tưởng là 4 ngày sau ngày tiếp xúc.
Dự phòng phơi nhiễm cũng được khuyến nghị cho các nhân viên y tế có nguy cơ, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus orthopoxvirus (virus đậu mùa khỉ), nhân viên làm công tác xét nghiệm chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ và những người khác có thể gặp rủi ro theo chính sách từng quốc gia; các chương trình tiêm chủng phải đi kèm với giám sát dịch tễ..., và quyết định sử dụng vaccine cần dựa trên đánh giá đầy đủ về rủi ro và lợi ích trong từng trường hợp cụ thể.
Nguồn báo Sức khoẻ & Đời sống