Hội thảo truyền thông liên ngành về phòng chống yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm trong tình hình dịch Covid-19

Nằm trong chuỗi hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm được Tổ chức Y tế Thế giới tài trợ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tổ chức thành công 09 Hội thảo truyền thông về phòng ngừa các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm trong tháng 11/2020 tại 09 tỉnh thành khu vực phía Bắc cụ thể như: Nam Định, Ninh Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Dương, Lào Cai, Yên Bái. 

Hội thảo có sự tham dự của TS. Lại Đức Trường - cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới, PGS.TS. Nguyễn Thị Thi Thơ - Trưởng Khoa Kiểm soát BKLN, Viện VSDTTƯ và hơn 60 đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác quản lý bệnh không lây nhiễm của các đơn vị y tế trong Ngành.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Lãnh đạo Sở Y tế/ Trung tâm KSBT các Tỉnh khẳng định vai trò quan trọng của việc phòng chống các bệnh không lây nhiễm và Covid-19; đồng thời đề nghị các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông tích cực phối hợp và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động cộng đồng duy trì lối sống lành mạnh vì sức khỏe, thực hiện giảm muối trong bữa ăn hằng ngày, thường xuyên đo huyết áp để dự phòng, phát hiện sớm tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường; các đơn vị y tế tập trung phòng chống dịch Covid-19, phát hiện, quản lý và điều trị tốt các bệnh không lây nhiễm… góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Tại Hội thảo, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp thông tin về các bệnh không lây nhiễm, tình hình, gánh nặng bệnh không lây nhiễm, nguyên nhân, giải pháp phòng chống và trách nhiệm của các bên liên quan; hướng dẫn chế độ ăn uống giảm muối để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp và phòng chống bệnh không lây nhiễm trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Bệnh không lây nhiễm là các bệnh không lây, còn được gọi là bệnh mạn tính, không lây từ người sang người. Bệnh tiến triển chậm trong thời gian dài với tỷ lệ người mắc ngày càng gia tăng và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Các bệnh không lây nhiễm chủ yếu hiện nay như: Ung thư, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường và tim mạch. Năm 2015, có khoảng 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp, 2,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, 13,5 triệu người mắc bệnh rối loạn tâm thần, 4 triệu người mắc bệnh COPD và hen phế quản. Năm 2016, Việt Nam có khoảng 424.000 ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Các yếu tố nguy cơ chủ yếu liên quan đến việc sử dụng thuốc lá, dinh dưỡng bất hợp lý, ít vận động, lạm dụng rượu bia… Theo Tổ chức Y tế thế giới: Mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày hiện nay là 9,4 gam/người/ngày cao hơn khuyến nghị, việc thực hành ăn giảm muối là cần thiết trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt bệnh tăng huyết áp, tim mạch. Muối chứa nhiều trong bột canh, hạt nêm, nước mắm, xì dầu, mì chính. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, mỗi ngày người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5 gam muối, tương đương 1 thìa cà phê muối; trẻ em ăn ít muối hơn nữa so với người trưởng thành; người mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thận ăn muối theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Để giảm ăn muối, mỗi người, mỗi gia đình hãy thực hiện “Cho bớt muối - Chấm nhẹ tay - Giảm ngay đồ mặn”.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc tăng cường thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phát hiện người mắc bệnh không lây nhiễm sớm để quản lý điều trị, thực hiện các biện pháp dự phòng và giảm ăn muối./.

Trang Ly - Khoa Kiểm soát BKLN

 


Các bài viết liên quan