Hội thảo Hợp tác quốc tế nghiên cứu hệ gen để ứng phó với đại dịch Covid-19

Đại biểu tham dự Hội thảo

Mục tiêu của hội thảo nhằm cung cấp thông tin về tầm quan trọng của giải trình tự hệ gen của virus trong đáp ứng phòng chống dịch và năng lực kỹ thuật giải trình tự gen của các nước phát triển trên thế giới như Anh, Mỹ và của Việt Nam hiện tại. 

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC), và đặc biệt là các chuyên gia đến từ cơ quan quản lý (Bộ Y tế) và những cơ quan y tế công cộng, các nhà nghiên cứu sinh học phân tử và phát triển vắc-xin như Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi Trung ương và các công ty nghiên cứu và phát triển vắc xin v.v. 

Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo cũng nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu và chính sách; đồng thời phát hiện và đánh giá các cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. 

Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward cho biết: “Vắc-xin mới chỉ là một nửa công việc. Việc phát hiện và giám sát các biến chủng virus cũng quan trọng không kém để chúng ta có thể kịp thời ứng phó với đại dịch. Một ưu tiên của cộng đồng quốc tế là chia sẻ và minh bạch dữ liệu với nhau. Vương quốc Anh có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẵn sàng chia sẻ với các đối tác”. 

TS Orla Condell của Tổ chức Y tế thế giới cho biết tầm quan trọng của giải trình tự hệ gen của virus nhằm xác định, phát hiện và quản lý các đợt bùng phát của dịch bệnh truyền nhiễm, nhanh chóng phát triển các kỹ thuật chẩn đoán, thuốc và vắc xin và đặc biệt giám sát liên tục mức độ lây lan của dịch bệnh từ đó có các biện pháp ứng phó và kiểm soát dịch bệnh.

Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford chia sẻ: “Hiện nay, nhiều quốc gia còn có hạn chế về chuyên môn khoa học để giải trình tự toàn bộ hệ gen của virus và sau đó, chia sẻ dữ liệu này với cộng đồng quốc tế. Các thiết bị phục vụ cho hoạt động này tuy không quá đắt, nhưng việc vận hành chúng lại đòi hỏi nhiều kỹ năng đặc biệt cần tích lũy trong thời gian dài. Chúng ta cần có những chương trình tập huấn với sự hỗ trợ kỹ thuật từ những quốc gia đã sẵn có kinh nghiệm chuyên môn.” 

Các loại virus tiến hóa liên tục qua thời gian và đột biến gen có thể xảy ra ngẫu nhiên ở bất kì không gian nào. Một số đột biến gen có thể khiến virus lây lan nhanh hơn và/hoặc trở nên nguy hiểm hơn và gây ảnh hưởng đến hiệu quả chẩn đoán, điều trị và đáp ứng vắc-xin so với chủng virus đầu tiên. 

Trong bối cảnh đại dịch, việc nghiên cứu hệ gen (giải và phân tích trình tự hệ gen) là cơ sở khoa học để sớm phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 và những đặc tính của chúng, để đưa ra những chính sách can thiệp phù hợp. 

GISAID là một sáng kiến khoa học toàn cầu và là nguồn sơ cấp cho nền tảng dữ liệu mở về hệ gen của virus cúm và virus SARS-CoV-2. Gần 50% dữ liệu trên GISAID về SARS-CoV-2 là do các nhà khoa học Anh đóng góp. 

Tại Việt Nam, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh là hai cơ quan nghiên cứu đầu ngành, có nhiệm vụ phân tích hệ gen từ các mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 để truy vết nguồn gốc lây bệnh (trên cơ sở kết hợp điều tra dịch tễ) và chia sẻ dữ liệu với quốc tế. GS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết được năng lực thực hiện phân tích hệ gen của SARS-CoV-2 và những đóng góp của giải trình tự hệ gen trong phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trình bày tại hội thảo

Đại biểu tham dự đã thảo luận những định hướng phát triển của lĩnh vực này và cơ hội để nâng cao năng lực chuyên môn và củng cố vai trò của Việt Nam trong việc chia sẻ dữ liệu trình tự gen SARS-CoV-2. Đây là Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh việc theo dõi các biến chủng mới của virus trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo hiệu quả của vắc-xin cũng như quá trình xét nghiệm và điều trị.

ThS. Mai Hưng - Phòng KHHTQT

 


Các bài viết liên quan