HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG TẠI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ NĂM 2021

Sáng ngày 12/11/2021, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Cục Quản lý môi trường y tế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế năm 2021 với sự chủ trì của PGS.TS. Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Lương Mai Anh đã cho biết: Năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội, đặc biệt là đối với ngành y tế. Theo con số thống kê của Công đoàn Y tế Việt Nam, từ tháng 03/2020 đến nay đã có khoảng 2.380 nhân viên y tế bị mắc bệnh COVID-19 trong khi thi hành nhiệm vụ, trong đó có 03 nhân viên y tế đã tử vong. PGS.TS. Lương Mai Anh cũng đánh giá tác hại mà đại dịch đã ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm thế làm việc của nhân viên y tế mà công tác An toàn vệ sinh lao động cần xây dựng các phương án để giải quyết. Tám tác hại được kể đến như: nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19; xuất hiện các loại bệnh về da khi mặc đồ bảo hộ quá lâu; bệnh do sử dụng quá nhiều chế phẩm sát khuẩn; thời gian làm việc quá dài so với quy định của Bộ Luật lao động trong thời gian diễn ra dịch bệnh dẫn đến mất sức và mất nước; nạn bạo hành của bệnh nhân đối với nhân viên y tế khi họ thăm khám và điều trị; bệnh cơ xương khớp khi chăm sóc bệnh nhân; rối loạn cảm xúc, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần khi phải làm việc cường độ cao với thần kinh căng thẳng, lo âu; vấn đề nước sinh hoạt không an toàn trong bệnh viện dã chiến. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo với nội dung chính như sau: Báo cáo đánh giá công tác An toàn vệ sinh lao động cho nhân viên y tế năm 2021 và kế hoạch hành động năm 2022; Kết quả và bài học kinh nghiệm từ cuộc thi trực tuyến “tìm hiểu về an toàn, vệ sinh lao động - Phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc năm 2021" của Cục Quản lý môi trường y tế; Báo cáo sơ bộ kết quả “Nghiên cứu gánh nặng nghề nghiệp, năng lực đáp ứng và tính sẵn sàng ứng phó của nhân viên Y tế Việt Nam với dịch COVID-19” của Viện Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội; Giới thiệu dự thảo: Hướng dẫn, chẩn đoán, giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường; Những khó khăn, thách thức trong việc triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Thống nhất; Viện Pháp y tâm thần Trung ương trong đại dịch COVID-19; Vai trò, trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong đại dịch COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bế mạc Hội nghị, PGS.TS. Lương Mai Anh nhấn mạnh: Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn, cùng với thế giới, Việt Nam thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh. Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. PGS cũng đề nghị Lãnh đạo các đơn vị đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động từ đó xây dựng các biện pháp phù hợp để giảm thiểu tối đa tám tác hại mà đại dịch COVID-19 đã gây ra đối với nhân viên y tế kể trên. Đề nghị Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý, hoàn thiện hướng dẫn để ban hành: “Hướng dẫn, chẩn đoán, giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp” trong thời gian sớm nhất, giúp hỗ trợ phần nào đối với nhân viên y tế bị nhiễm bệnh COVID-19 trong quá trình thực thi nhiệm vụ./.

Thúy Hiền  - Phòng TCCB

 


Các bài viết liên quan