HỘI NGHỊ TẬP HUẤN NÂNG CAO NĂNG LỰC CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC VĂN THƯ, LƯU TRỮ GÓP PHẦN NGĂN CHẶN VÀ KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH

Ngày 05/11/2020 tại Thành phố Hà Nội, Văn phòng Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ góp phần ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.

Tham dự hội nghị có ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ; Tiến sĩ Nguyễn Thị Chinh - Phó Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia tài liệu điện tử; Tiến sĩ Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế; các đồng chí lãnh đạo, công chức Văn phòng Bộ Y tế; cán bộ trực tiếp làm công tác văn thư, lưu trữ tại các đơn vị thuộc Bộ, 65 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và 33 Sở Y tế các tỉnh/thành phố.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu khai mạc hội nghị, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác văn thư, lưu trữ, nhất là trong thời kì công nghệ 4.0 với sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ thông tin.

Cũng tại Hội nghị, ông Đặng Thanh Tùng đã phát biểu chỉ đạo, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong quá trình từng bước chuyển đổi công tác văn thư, lưu trữ từ truyền thống sang điện tử của ngành văn thư, lưu trữ cả nước nói chung và công tác văn thư, lưu trữ Bộ Y tế nói riêng.

Hội nghị cũng đã đề cập đến thực trạng công tác văn thư, lưu trữ tại một số bộ, ngành; đưa ra những phân tích rất sâu sắc về công tác văn thư, lưu trữ như vấn đề kiểm tra văn bản trước khi ban hành; công tác xây dựng ban hành Danh mục hồ sơ của cơ quan, tổ chức; lập hồ sơ công việc tại các cơ quan, đơn vị để nộp vào lưu trữ cơ quan; trách nhiệm của văn thư, trách nhiệm của người ký ban hành văn bản…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Chinh cũng trao đổi với Hội nghị về những điểm mới của Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ quy định về công tác văn thư, Quyết định 458/QĐ-TTg ngày 03/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án lưu trữ điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2020-2025” với những điểm mới như: 

  • Tổng số văn bản hành chính còn 29 văn bản (bớt 04 loại là Giấy đi đường; Bản cam kết; Giấy chứng nhận; Giấy biên nhận hồ sơ. Thêm 01 loại là Phiếu báo);
  • Quy định về viết hoa (Phụ lục II Nghị định 30/2020/NĐ-CP);
  • Các văn bản có phần Căn cứ ban hành thì phần căn cứ được in nghiêng (Ví dụ: phần căn cứ trong các Quyết định);
  • Số trang của văn bản được đánh từ trang thứ 2 trở đi, canh giữa lề trên của văn bản;
  • Nơi nhận văn bản: Đối với Tờ trình, Báo cáo (Cơ quan, tổ chức cấp dưới gửi cơ quan tổ chức cấp trên) và Công văn, nơi nhận bao gồm:
  1. Phần thứ nhất bao gồm từ “Kính gửi” sau đó là tên cơ quan, tổ chức hoặc đơn vị, cá nhân trực tiếp giải quyết công việc.
  2. Phần thứ hai bao gồm từ “Nơi nhận”, phía dưới là từ “Như trên”, tiếp theo là tên các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan nhận văn bản.

          (Vị trí 9a và 9b tại Phụ lục I của Nghị định 30/2020/NĐ-CP phần Sơ đồ bố trí các thành phần thể thức văn bản hành chính)

  • Quy định về ký ban hành văn bản đối với cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng: Cấp phó được giao phụ trách, điều hành thì thực hiện ký như cấp phó ký thay cấp trưởng;
  • Quy định về cấp số, thời gian ban hành văn bản: Số và thời gian văn bản được lấy theo thứ tự và trình tự thời gian ban hành văn bản của cơ quan, tổ chức (không được chèn số);
  • Bản gốc văn bản: Bao gồm bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản được người có thẩm quyền ký trực tiếp trên văn bản giấy hoặc ký số trên văn bản điện tử.
  • Hướng tới lưu văn bản điện tử: Cơ quan tổ chức có Hệ thống đáp ứng theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật liên quan thì sử dụng và lưu bản gốc văn bản điện tử trên hệ thống thay cho bản giấy.
  • Đề ra mục tiêu quản lý thống nhất, bảo quản an toàn và tổ chức có hiệu quả tài liệu lưu trữ điện tử hình thành trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
  • Đề ra nhiệm vụ và giải pháp hướng tới nền lưu trữ điện tử (Sửa đổi Luật Lưu trữ 2011; Quy định tiêu chuản Kho lưu trữ số;...)

Sau khi lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế TP Hà Nội về công tác văn thư, lưu trữ trong quản lý dịch bệnh, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng thảo luận sôi nổi, trao đổi về kinh nghiệm về thực tế công tác văn thư, lưu trữ của các đơn vị mình. Hy vọng rằng với những kiến thức bổ ích thu hoạch được tại Hội nghị, công tác văn thư, lưu trữ trong ngành Y tế sẽ được thực hiện một cách hiệu quả hơn, góp phần cho công tác y tế phát triển một cách bền vững, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sức khỏe nhân dân.                                  

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu khai mạc Hội nghị

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ nội vụ phát biểu chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ

Đại diện WHO tại Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Thị Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia tài liệu điện tử trao đổi về nghiệp vụ công tác văn thư lưu trữ

Nguyễn Văn Đình - Phòng TCCB

 


Các bài viết liên quan