Hậu quả khó lường nếu tiêm vắc xin không đầy đủ
Bộ Y tế cho biết, biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron gây đại dịch COVID-19 được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Tiêm vắc xin không đầy đủ sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Tại hội nghị khoa học năm 2022 do Viện Pasteur TPHCM tổ chức mới đây, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thông tin số ca mắc, tử vong tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương, châu Phi. Miễn dịch không bền vững, các biến thể mới, biến thể phụ vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trên thế giới. Theo GS Lân, thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh BA.2, BA.2.3, BA.2.3.2, trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và có nguy cơ xâm nhập nước ta, có thể dẫn tới gia tăng các ca COVID-19 trong thời gian tới.
Trước đó, WHO nhận định thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch. Tổ chức này cũng cảnh báo về những biến thể mới của COVID-19 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Trong đó, Omicron hiện là biến thể phổ biến trên thế giới, nhưng có thể chưa phải là biến thể cuối cùng.
Trong khi Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu nhận định, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, đồng thời khuyến cáo các quốc gia cần duy trì biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.
Tại Việt Nam, số ca mắc mới thời gian qua có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. Số ca mắc mới mỗi ngày chỉ còn 600 - 700 nhưng số ca mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành. Trước nguy cơ biến thể phụ BA.5 xâm nhập, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vắc xin COVID-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của dịch bệnh.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên; đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp phòng ngừa lây nhiễm, nhất là đối với các biến chủng mới. Tổ chức phát động chiến dịch tiêm chủng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn quốc tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo.
Để quản lí, duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch, Bộ Y tế nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch. Cùng với đó tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023. Bên cạnh đó đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 16 tuổi trở lên; đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp phòng ngừa lây nhiễm, nhất là đối với các biến chủng mới.
Cục trưởng Phan Trọng Lân cho rằng hiện nhiều người đã tiêm vắc xin hoặc khỏi bệnh từ 6-8 tháng qua nhưng vẫn chưa tiêm nhắc lại, nếu các biến thể COVID-19 khác tiến hóa hoặc xâm nhập sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Nguồn báo Tiền phong