Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng tăng

Ngày 14-6, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 6 đến 12-6), trong khi số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trên địa bàn thành phố giảm thì số mắc tay chân miệng lại tăng.

Cụ thể, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 18 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 2 ca so với tuần trước đó) tại 10 quận, huyện: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố có 93 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021).

Trong khi số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, thì số mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội lại gia tăng. Cụ thể, tuần qua, Hà Nội ghi nhận 179 ca mắc tay chân miệng tại 23 quận, huyện (tăng 7 ca so với tuần trước đó); trong đó, các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là: Sóc Sơn (21); Mê Linh (18); Chương Mỹ (17); Đống Đa (16); Thanh Trì (15); Đông Anh (12); Ba Vì (11). 

Như vậy, số ca mắc tay chân miệng trong một tuần của tháng 6-2022 tương đương với số mắc trong gần 6 tháng của năm ngoái (là 178 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố có 624 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái). 

Theo CDC Hà Nội, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết nói riêng và dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, thành phố tiếp tục tăng cường các đội đáp ứng nhanh phòng dịch; đồng thời, duy trì các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp. Bên cạnh đó, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã điều tra xác minh, đáp ứng với diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Dự kiến, sáng mai (15-6), Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh nhận biết về bệnh sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt. Đồng thời, củng cố duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết” tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Nguồn báo Hà Nội mới

 


Các bài viết liên quan