Hà Nội giám sát ổ dịch cũ

Hà Nội giám sát ổ dịch cũ

Tại Hà Nội, ghi nhận SXH rải rác tại 20 quận, huyện, 40 xã, phường, thị trấn, tập trung chủ yếu tại Q.Ba Đình (5 ca), H.Mê Linh 5 (ca), Q.Long Biên (5 ca). Các quận, huyện khác có dưới 5 ca. Theo TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, sở đã phân tuyến điều trị, giao việc tiếp nhận quản lý, điều trị người bệnh SXH đối với 19 BV đa khoa tuyến TP công, tư.

Các BV tuyến TP tập trung nguồn lực thu dung điều trị SXH Dengue nặng; các BV tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hội chẩn liên khoa, liên viện... trung tâm y tế quận, huyện triển khai phòng chống SXH và phòng tái bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn, đặc biệt phải giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, tại các ổ dịch cũ.

TPHCM ghi nhận hơn 32.000 người mắc sốt xuất huyết

Chiều 26-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu và đoàn công tác của thành phố có buổi làm việc với huyện Nhà Bè về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Nhà Bè có 59 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) với 574 ca (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021), không có ca tử vong. Tuy nhiên, chỉ riêng 2 tuần đầu tháng 7, địa phương đã tăng đột biến 44 ổ dịch (tăng 200%). Ngoài ra, huyện Nhà Bè vẫn còn 128 điểm nguy cơ cần xử lý. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho rằng, qua số liệu của huyện Nhà Bè cho thấy con số tăng tới 200% là rất đáng lo ngại, đòi hỏi huyện phải có giải pháp quyết liệt phòng chống dịch SXH trong 6 tháng còn lại của năm 2022. Lãnh đạo địa phương phải làm tốt hơn công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thực trạng, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp dồn sức chống dịch.

Đồng chí Ngô Minh Châu lưu ý, trong công tác phòng chống dịch bệnh, khâu tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại ở các lứa tuổi. Đồng thời, việc kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt của các cơ quan chức năng với cá nhân, tập thể vi phạm hành chính phòng chống dịch cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, để góp phần giúp người dân điều chỉnh ý thức, thay đổi hành vi.

Ngày 26-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, đến hết ngày 21-7, TPHCM ghi nhận 32.011 người mắc SXH, tăng 293,8% so với cùng kỳ 2021, trong đó SXH nặng có 502 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc SXH đến ngày 24-7 là 1,6% (502/32.011 ca), tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,5% (38/8.128 ca). Riêng trong tuần 29 (từ 15 đến 21-7), thành phố ghi nhận 3.108 ca mắc SXH, giảm 3 ca so với trung bình 4 tuần trước. Cũng trong tuần này, thành phố ghi nhận 1 ca tử vong do SXH tại quận 6. Như vậy, số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 13 người (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Nguồn báo Thanh niên

 


Các bài viết liên quan