Hà Nội ghi nhận 19 ổ bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 19 ổ bệnh sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện và 17 xã, phường, thị trấn với 254 ca mắc, giảm 41 ca so với cùng kỳ năm 2021, không có trường hợp tử vong.
Phun hóa chất xử lý ổ dịch sốt xuất huyết. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, một tuần trở lại đây (từ ngày 4-10/7), số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng nhanh. Toàn thành phố ghi nhận 79 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 1,5 lần so với tuần trước.
Bệnh nhân tập trung chủ yếu tại các quận, huyện Phú Xuyên (11 ca), Đan Phượng (10 ca), Long Biên (7 ca), Bắc Từ Liêm (6 ca), Ba Vì (5 ca), Hoài Đức (5 ca)...
Các xã, phường ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao gồm Quang Trung (huyện Phú Xuyên); Song Phượng, thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng); Liên Mạc (huyện Mê Linh); Long Biên (quận Long Biên). Đáng lưu ý, trên địa bàn ghi nhận thêm 3 ổ bệnh sốt xuất huyết, trong đó tại huyện Mê Linh có 2 và quận Bắc Từ Liêm có 1 ổ bệnh.
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 19 ổ bệnh sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện và 17 xã, phường, thị trấn với 254 ca mắc, giảm 41 ca so với cùng kỳ năm 2021, không có trường hợp tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.
Riêng đối với bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội yêu cầu các đơn vị giám sát, đánh giá định kỳ chỉ số côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường, tăng cường kiểm tra phòng, chống sốt xuất huyết tại khu vực ổ bệnh cũ, ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao.
[Ghi nhận hơn 11.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong vòng 1 tuần]
Để ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố là đơn vị thường trực của ngành Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn theo dõi sát, tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân, các địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, trong đó tăng cường giám sát dịch tễ, đặc biệt công tác giám sát, phát hiện các ca bệnh, ổ dịch; giám sát véc-tơ truyền bệnh tại khu vực ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao.
Đồng thời, các địa phương điều tra, xử lý khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài; tăng cường vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất phòng dịch.
Cùng với đó là thường xuyên cập nhật hướng dẫn về phòng, chống sốt xuất huyết Dengue để tập huấn, hướng dẫn cho mạng lưới từ tuyến thành phố đến xã, phường, thôn, tổ dân phố; rà soát cơ số vật tư, hóa chất phòng, chống dịch, hoạt động của đội cơ động các tuyến để kịp thời bổ sung, kiện toàn, đảm bảo sẵn sàng triển khai công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đơn vị khác khi có yêu cầu...
Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với Phòng Y tế tham mưu Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai nội dung theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó tập trung ưu tiên phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền với kết quả công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, nhất là công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và vận động, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi.
Đặc biệt huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội tham gia triển khai chiến dịch diệt loăng quăng đảm bảo tất cả khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát.../.
Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)