Hà Nội chủ động, linh hoạt các phương án phòng, chống dịch

Những ngày gần đây, dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng dần, trong đó quận Ðống Ða đã chuyển cấp độ dịch sang cấp độ 3, trở thành vùng cam. Ðây là tình huống đã được dự báo trước và thành phố đã chủ động các phương án phòng, chống dịch theo đúng tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19".

Trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 7.412 ca mắc tại cộng đồng (tăng 2.762 ca so với 14 ngày trước đó), tương ứng với tỷ lệ 44 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần. Như vậy, hiện thành phố vẫn ở cấp độ 2; trong đó có 8 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 1; 21 quận, huyện ở cấp độ 2 và duy nhất quận Ðống Ða ở cấp độ 3 (với 1.336 ca cộng đồng được ghi nhận trong 14 ngày qua, tương ứng với 177 ca cộng đồng/100.000 dân/tuần).

Chủ động các phương án khi chuyển thành vùng cam

Trước khi chuyển sang cấp độ dịch cao hơn, quận Ðống Ða đã huy động tổng lực cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc phòng, chống dịch. Các trạm y tế lưu động đã được kích hoạt sẵn sàng để hướng dẫn, chăm sóc F0 thể nhẹ điều trị tại nhà. Tại Trạm Y tế lưu động số 1 phường Trung Liệt có năm cán bộ, gồm một bác sĩ từ Trung tâm Y tế quận điều động về làm trạm trưởng và bốn nhân viên y tế quản lý và theo dõi danh sách F0, F1 hiện đang cách ly tại nhà và danh sách những người mắc các bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai trong khu vực phụ trách.

Theo lãnh đạo quận Ðống Ða, đặc thù của địa bàn là khu đông dân cư, nhà ở của người dân thường chật hẹp, các trường hợp đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà không cao, chỉ chiếm 30%. Hiện quận đang có khoảng hơn 100 F0 được điều trị tại nhà. Trong khi đó, hiện lực lượng y tế quá mỏng. Cụ thể, mỗi trạm y tế phường chỉ có từ 6 đến 10 cán bộ y tế, những trạm y tế ở các phường có khoảng 40.000 dân cũng chỉ có 10 người. Lực lượng của trạm y tế cố định vốn đã rất mỏng và đang quá tải, nay lại phải "chia quân" cho trạm y tế lưu động, nên khối lượng công việc rất lớn. Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, bên cạnh công tác chuyên môn, toàn bộ cán bộ, công chức của phường cũng được huy động tham gia phòng, chống dịch để hỗ trợ lực lượng y tế và công an.

Ðại diện UBND quận Ðống Ða cho biết, từ 12 giờ ngày 13/12/2021, quận áp dụng các biện pháp hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung hơn 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày.

Ngoài ra, UBND quận cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Các cơ sở lưu trú được phép hoạt động không quá 50% công suất. Các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới. Chủ tịch UBND 21 phường chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND quận trong công tác thực hiện cách ly y tế, quản lý, theo dõi tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn quản lý. Bảo đảm toàn diện về công tác hậu cần, bố trí cơ sở vật chất cho trạm y tế lưu động, bảo đảm an ninh trật tự và các điều kiện khác đáp ứng phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế. Tổ chức triển khai, giám sát, kiểm tra thực hiện cách ly người nhiễm Covid-19 trên địa bàn; không để dịch lây ra cộng đồng, xử lý nghiêm đối với các hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định pháp luật.

Triển khai điều trị F0 tại nhà

Ðể giảm bớt áp lực cho các bệnh viện, cơ sở thu dung và tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã triển khai việc điều trị F0 tại nhà. Hiện có 438 trường hợp, trong tổng số hơn 9.000 trường hợp F0 ở Hà Nội được điều trị tại nhà.

Một gia đình ở ngõ 84 phố Hoàng Ðạo Thành, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có người dương tính với Covid-19, nhưng đáp ứng đủ các điều kiện nên đã được phép điều trị tại nhà. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Kim Giang đã bố trí hàng rào, biển thông báo "Khu vực cách ly tạm thời" trước cửa căn nhà để mọi người được biết, đồng thời, lắp đặt camera và thông báo cho người dân chung quanh, tổ Covid-19 cộng đồng biết để phối hợp giám sát. Thực phẩm, đồ dùng thiết yếu được người thân của gia đình đem đến treo ở cửa. Hằng ngày, công nhân vệ sinh môi trường tới thu gom rác. Người bệnh cho biết, do triệu chứng nhẹ và vẫn được ở nhà, nên tâm lý khá thoải mái, không áp lực như đi điều trị tập trung.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Ðặng Khánh Hòa cho biết, sau quá trình rà soát, quận Thanh Xuân xác định hơn 50.000 hộ đủ điều kiện cách ly F1, F0 tại nhà khi cần thiết. Quận đã thành lập 33 "Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà" với 122 thành viên để hỗ trợ cho các trạm y tế, trạm y tế lưu động. Tổ hỗ trợ có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ người nhiễm Covid-19 tại nhà theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin nhận được từ người cách ly tại nhà, thông báo ngay cho cán bộ y tế của trạm y tế phường, trạm y tế lưu động. Cùng với đó, phối hợp điều phối, vận chuyển người bệnh Covid-19 nhẹ và không triệu chứng, vận chuyển mẫu bệnh phẩm, người tiếp xúc gần (F1)... trên địa bàn đến các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị khi phát sinh...

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Ðình Hưng cho biết, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, từ đầu tháng 12/2021, thành phố Hà Nội đã triển khai điều trị F0 tại nhà. Nhằm hỗ trợ theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội và các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai phần mềm kết nối điều trị F0 tại nhà tại nhánh 3, tổng đài 1022. Khi phát hiện là F0, người bệnh sẽ đăng nhập tài khoản, cập nhật đầy đủ thông tin người bệnh, lịch trình di chuyển; phần mềm sẽ sàng lọc bệnh nhân theo cập nhật tình hình sức khỏe người bệnh hằng ngày và sẽ có cảnh báo khi phát hiện bất thường về sức khỏe người bệnh. Trong phần mềm có phản hồi tin nhắn, tương tác hai chiều giữa người bệnh và thầy thuốc. Phần mềm cũng xác nhận người bệnh, sau khi kết thúc điều trị có tin nhắn thông báo cho người bệnh…

Ðồng thời, Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ 6.000 túi thuốc điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 cho 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã để cấp cho người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà. Ngày 5/12, Sở Y tế Hà Nội đã gửi công văn đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến về việc sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện. Trả lời công văn này, Bộ Y tế hướng dẫn, với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày. Ngoài ra, ca bệnh có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép). Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch hoặc Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

Nguồn báo Nhân dân

 


Các bài viết liên quan