GS.TS PHAN TRỌNG LÂN THAM DỰ VÀ TRÌNH BÀY THAM LUẬN TẠI HỘI NGHỊ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG Y TẾ
Ngày 05/12/2024, GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tham dự và trình bày tham luận tại Hội nghị chuyển đổi số trong Y tế được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, kết quả đạt được về chuyển đổi số trong y tế; định hướng chiến lược về chuyển đổi số đến năm 2030 và trong tương lai cũng như tăng cường hoạt động hợp tác và hỗ trợ chuyển đối số trong y tế với các nhóm đối tác.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, TS Angela Pratt đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ các Vụ/Cục đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ và các đại biểu quốc tế bao gồm: bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam; bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam; ông DU VILLE Pierre - Trưởng đại diện, phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam; ông Hiraoka Hisakazu - Phó Trưởng Đại diện JICA Việt Nam; bà Joanna Skoczek - Trưởng phái đoàn, đại biện lâm thời, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam; Bà T. Ajungla Jamir - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế khác đang đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, TS Angela Pratt cùng các đại biểu quốc tế, Việt Nam tham dự cuộc họp nhóm đối tác y tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác của các đối tác trong nước và quốc tế dành cho ngành y tế trong những năm qua, đặc biệtlà việc duy trì và phát triển các hoạt động của diễn đàn Nhóm đối tác y tế. Bộ trưởng đã nhấn mạnh các kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, bao gồm hoàn thiện và triển khai công tác về y tế dự phòng, khám chữa bệnh trên cơ sở khung pháp lý;tăng cường hoạt động chăm sóc sức khỏe cả về chất lượng dịch vụ và mức độ bao phủ; và quan trọng nhất là thực hiện chuyển đổi số. Bộ trưởng cũng khẳng định chuyển đổi số là chiến lược tất yếu, ưu tiên hàng đầu để phát triển ngành y tế bền vững và hiệu quả. Các kết quả đáng chú ý bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định thanh toán BHYT; khám, chữa bệnh từ xa; triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên hệ thống định danh quốc gia (VneID); triển khai quản lý hồ sơ bệnh án điện tử; thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt,… Tuy nhiên, ngành y tế vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giải pháp để tối ưu hóa lợi ích, quản lý rủi ro và đảm bảo các dịch vụ y tế số tiếp theo.
Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại cuộc họp Nhóm đối tác y tế chuyển đối số trong y tế Việt Nam đến năm 2030
Trong phần tham luận về nội dung "Chia sẻ, trao đổi về thực tiễn, quan điểm, ý kiến, kinh nghiệm và đề xuất hợp tác của các bên về chuyển đổi số trong y tế" của mình, GS.TS Phan Trọng Lân đã nhấn mạnh chuyển đổi số trong y học dự phòng và y tế công cộng không chỉ lànhu cầu cấp thiết mà còn là giải pháp chiến lược để xây dựng một nền y tế tiên tiến, hiệu quả vàbền vững, đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe người dân trong kỷ nguyên mới.Trong bối cảnh nền y tế đang đối mặt với nhiều thách thức về sự xuất hiện của các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, sự quay trở lại của các bệnh truyền nhiễm bị lãng quên, sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, sự hạn chế về nguồn lực cũng như sự hạn chế trong khả năng đáp ứng nhanh với các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, chuyển đổi số y tế dự phòng sẽ giúp nâng cao hiệu quả giám sát; tăng cường đáp ứng dịch; tối ưu hóa nguồn lực và giảm tải cho hệ thống y tế tuyến cuối cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế dự phòng cho toàn dân.
Bên cạnh đó, GS.TS Phan Trọng Lân đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến các thách thức, định hướng và ưu tiên trong chuyển đổi số y tế dự phòng tại Việt Nam. Các thách thức được nêu ra liên quan đến việc ứng dụng công nghệ chưa đồng bộ, thiếu hệ thống thông tin liên thông, nguồn lực tài chính, nhân lực cũng như năng lực số hóa của cán bộ còn hạn chế. Để giải quyết các thách thức trên, GS.TS Phan Trọng Lân cũng đề xuất một số định hướng chiến lược chuyển đổi số trong y học dự phòng về xây dựng hệ thống giám sát và đáp ứng dịch bệnh số hóa, tăng cường quản lý tiêm chủng qua nền tảng số, đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên y tế, phát triển các nền tảng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Giáo sư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, bao gồm chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và hỗ trợ tài chính và kỳ vọng với sự hợp tác chặt chẽ, Việt Nam sẽ trở thành một hình mẫu trong ứng dụng công nghệ số vào y tế dự phòng tại khu vực.
GS.TS Phan Trọng Lân tham luận tại cuộc họp.
Hội nghị đã diễn ra thành công,tạo cơ hội quan trọng để Việt Nam tiếp tục đưa ra các chiến lược chuyển đổi số sáng tạo, hướng tới xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, hiệu quả và bền vững.
TS. Lan Phương, TS. Minh Tân, BS. Thanh Duyên - Phòng KH-HTQT