Giảm gánh nặng từ các bệnh không lây nhiễm: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư, rối loạn tâm thần, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… hiện nay đã và đang trở thành gánh nặng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển, cả các nước kém phát triển. Nhằm từng bước giảm bớt gánh nặng đến từ các BKLN, Chính phủ, ngành y tế đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách và những giải pháp để ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ người dân mắc các bệnh này.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, trong tổng số gần 57 triệu người chết (năm 2016) trên thế giới, thì có đến 40,5 triệu người chết do các BKLN (chiếm 71%). Đáng chú ý, có đến hơn 31,5 triệu người chết do các BKLN xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có khoảng 46% số người chết xảy ra trước tuổi 70 ở các quốc gia này. Theo báo cáo toàn cầu về BKLN của WHO, bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ 46%; tiếp đến là ung thư 22%; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) chiếm 10% về nguyên nhân tử vong do BKLN mọi độ tuổi. Đông - Nam Á và Tây Thái Bình Dương là những khu vực có tỷ lệ chết do BKLN cao so với các khu vực khác trên thế giới. Ước tính thiệt hại về kinh tế do bốn nhóm BKLN chính chiếm khoảng 47 nghìn tỷ USD trong vòng 20 năm tới.

Tại Việt Nam, theo Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trương Đình Bắc, các BKLN là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ mười người chết, thì có bảy người chết do các BKLN. WHO ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 520 nghìn người chết, thì trong đó chết do các BKLN khoảng 379 nghìn người (chiếm 73%) và 43% trong số này chết trước 70 tuổi. Tỷ lệ số dân mắc bệnh tăng huyết áp là 25%; đái tháo đường, bệnh tiểu đường là 5,8%, ở nhóm tuổi 20 đến 79 tuổi; bệnh COPD trong cộng đồng từ 15 tuổi trở lên là 2,2%. Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, gánh nặng ung thư tại Việt Nam ngày càng gia tăng, với hơn 164 nghìn ca mới; gần 115 nghìn người chết do bệnh ung thư mỗi năm. Đáng lo ngại, phần lớn người bệnh bị ung thư ở Việt Nam thường đến khám, điều trị ở giai đoạn muộn, cho nên việc điều trị càng khó khăn, tốn kém… và đạt hiệu quả thấp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: Các BKLN hiện đang là vấn đề thời sự quan trọng của y học tất cả các quốc gia trên thế giới. Mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi vùng địa lý đều có thể bị tác động của BKLN. Tỷ lệ mắc các BKLN thường rất cao ở các nước có thu nhập thấp, hoặc trung bình. BKLN không chỉ là vấn đề sức khỏe, mà còn là sự thách thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo do chi phí chữa bệnh rất lớn và làm giảm năng suất lao động.

Tại Việt Nam, do tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chế độ dinh dưỡng, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh và các dịch bệnh mới xuất hiện đã và đang tạo nhiều áp lực và thách thức cho ngành y tế. Mặt khác, hiện nay Việt Nam còn đang phải đối mặt sự gia tăng ngày càng trầm trọng và gánh nặng bệnh tật và tử vong do các BKLN gây ra. Mặc dù ngành y tế có rất nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát, song tình trạng gia tăng căn bệnh này ở Việt Nam vẫn đang ở mức báo động. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh; ô nhiễm môi trường; tỷ lệ người dân hút thuốc, sử dụng rượu, bia cao; chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp.

Quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm tại y tế tuyến cơ sở

Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và thực tế tại các địa phương cho thấy việc quản lý, điều trị cho người mắc các bệnh không lây nhiễm (BKLN) tại y tế tuyến cơ sở là hết sức quan trọng.

Bởi y tế tuyến cơ sở không chỉ giúp người mắc các BKLN được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm được chi phí trong quá trình điều trị bệnh, mà còn giúp hệ thống này nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đồng thời tạo thêm niềm tin và uy tín đối với người dân trên địa bàn.

Mấy năm nay, chị Nguyễn Thị Tuyết (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), đều định kỳ hằng tháng đến Trạm y tế xã (TYT) Tượng Sơn kiểm tra và lấy thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp về điều trị ngoại trú. Chia sẻ với chúng tôi, chị Tuyết cho biết, nếu như trước đây khi TYT xã chưa triển khai việc khám và cấp thuốc định kỳ, mỗi tháng chị phải đi hơn 10 km lên bệnh viện tỉnh khám và lấy thuốc. Mỗi lần như vậy thường mất cả buổi và đi lại rất tốn kém, vì thế, việc lấy thuốc không được đều đặn. Tuy nhiên, kể từ khi TYT xã thực hiện việc khám, cấp thuốc điều trị tăng huyết áp, chị thấy rất thuận lợi cho người bệnh. Khi mệt mỏi, chị có thể ra ngay TYT thăm khám. Điều làm chị Tuyết vui nhất là đến trạm dù sớm, hay khuya, chị luôn nhận được sự chăm sóc tận tình, vui vẻ của cán bộ y tế. Nhờ được khám, cấp thuốc định kỳ đều đặn, sức khỏe của chị giờ đã khá hơn rất nhiều, có điều kiện để chăm lo cho gia đình. Trạm trưởng TYT xã Tượng Sơn, bác sĩ Hoàng Trọng Hiếu cho biết, hiện TYT xã đang quản lý 360 người bệnh mắc các BKLN, chủ yếu là tăng huyết áp, đái tháo đường…

Riêng bệnh tăng huyết áp, trạm quản lý và cấp thuốc cho 280 người bệnh. Việc triển khai quản lý các BKLN tại TYT, không chỉ giúp cho người bệnh giảm chi phí trong quá trình điều trị mà còn góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, uy tín và niềm tin của người dân trên địa bàn đối với TYT xã.

Dự phòng bằng cách kiểm soát những yếu tố nguy cơ

Nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm (BKLN) chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe, cũng như các yếu tố môi trường không thuận lợi gây nên. Do vậy, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Ngoài các bệnh truyền nhiễm thì các BKLN vẫn đang có những diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh chóng, xảy ra ở mọi nhóm tuổi khác nhau. Các chuyên gia lĩnh vực y tế cho biết, bên cạnh yếu tố khách quan do quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa dân số và các yếu tố xã hội khác, thì nguyên nhân chủ yếu thuộc về các hành vi, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh hằng ngày như hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực, sử dụng rượu, bia ở mức có hại…

Kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ các BKLN (STEPS) do Bộ Y tế thực hiện cho thấy: Có hơn 77% nam giới uống rượu, bia, trong đó có 44% uống ở mức nguy hại; có khoảng 57,2% số dân trưởng thành ăn thiếu rau quả so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 400g/ngày, trong đó nam giới chiếm 63,1% và nữ giới chiếm khoảng 51,4%; có gần một phần ba số dân thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của WHO (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần hoặc tương đương); 15,6% số người dân Việt Nam hiện đang bị thừa cân béo phì và tỷ lệ này đang có xu hướng tăng nhanh theo thời gian.

Nguồn báo Nhân dân

Tóm lược bài viết

Các bệnh không lây nhiễm (BKLN) gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư, rối loạn tâm thần, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… hiện nay đã và đang trở thành gánh nặng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển, cả các nước kém phát triển. Nhằm từng bước giảm bớt gánh nặng đến từ các BKLN, Chính phủ, ngành y tế đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách và những giải pháp để ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ người dân mắc các bệnh này.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, trong tổng số gần 57 triệu người chết (năm 2016) trên thế giới, thì có đến 40,5 triệu người chết do các BKLN (chiếm 71%). Đáng chú ý, có đến hơn 31,5 triệu người chết do các BKLN xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có khoảng 46% số người chết xảy ra trước tuổi 70 ở các quốc gia này. Theo báo cáo toàn cầu về BKLN của WHO, bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ 46%; tiếp đến là ung thư 22%; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) chiếm 10% về nguyên nhân tử vong do BKLN mọi độ tuổi. Đông - Nam Á và Tây Thái Bình Dương là những khu vực có tỷ lệ chết do BKLN cao so với các khu vực khác trên thế giới. Ước tính thiệt hại về kinh tế do bốn nhóm BKLN chính chiếm khoảng 47 nghìn tỷ USD trong vòng 20 năm tới.


Các bài viết liên quan