Diễn biến đáng ngại của dịch sốt xuất huyết: xuất hiện ổ dịch ngoài cộng đồng

Thực tế đã xảy ra trong tuần qua tại TP Hồ Chí Minh càng cho thấy không thể chủ quan với dịch sốt xuất huyết (SXH). Cùng với việc ngoài cộng đồng xuất hiện gần 10 ổ dịch SXH tại 5 quận, huyện phải xử lý phun thuốc thì trong Khoa SXH, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh đang phải điều trị cho 22 ca trẻ mắc SXH, chủ yếu là trẻ ngụ tại TP Hồ Chí Minh. Có ca diễn tiến có sự cô đặc máu, cần theo dõi sát sao.

Phải theo dõi  sát sao

Chiều 14-5, tại Khoa SXH của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, các BS khá bận rộn với 22 ca bệnh nhi mắc bệnh SXH. Do thời tiết nắng nóng, cùng với việc chăm sóc các bệnh nhi mắc SXH, các BS còn phải tiếp nhận và điều trị thêm những ca trẻ mắc bệnh về đường máu (xuất huyết não, viêm màng não). Khoa SXH có 13 BS và 40 điều dưỡng, đều phải làm việc tích cực chăm sóc các em trong suốt tuần qua.

Chị Thu Phương (33 tuổi, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu) đang chăm sóc cho con gái 7 tháng tuổi mắc SXH, cho biết, khi phát hiện, bé chỉ sốt nhẹ, sau đó BV Vũng Tàu có thực hiện làm xét nghiệm máu và khuyên chị nên là đưa con đến BV Nhi đồng 1 ngay. Một BS cho biết, đây là bệnh nhi mắc SXH diện nhẹ, phát hiện kịp thời nhưng phải theo dõi để không bị vào sốc.

Trường hợp đang được chú ý nhất trong khoa là bé gái hơn 1 tuổi, được chẩn đoán mắc SXH nhưng có dấu hiệu lừ đừ, máu cô đặc và đây là một trường hợp nặng nhất trong khoa hiện nay. Mẹ của bé này cho biết, nhà chị tại quận 3, trong khu vực không có ai mắc SXH nhưng con gái chị đột ngột sốt cao, lúc đầu, khi nhập viện tình trạng lâm sàng lại theo hướng chẩn đoán sốt siêu vi, sau đó kết quả xét nghiệm lại nghi ngờ giống hiện tượng viêm màng não. Lần xét nghiệm sau mới khẳng định bé bị SXH.

Tại phòng bệnh 312, do thời tiết nóng nên cô con gái 8 tuổi của chị Trần Thị Nhơn (ngụ tại quận 6), dù đang hâm hấp sốt và ho, nhưng bà mẹ này đã phải đưa con ra ngồi dựa lưng vào ghế ở hành lang trò chuyện cho con đỡ khó chịu. Chị cho biết, con chị đi khám vào ngày 9-5, lúc đầu bé chỉ bị sốt khoảng 38 độ C, nhưng đi khám tại phòng mạch, BS chỉ chẩn đoán là bé bị viêm họng và cho về nhà uống thuốc.

Tuy nhiên, sau đó về nhà, tình trạng viêm họng của con chị không thấy đỡ, chị cho con nhập viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh ngày 12-5, và ngay sau khi có kết quả mẫu máu xét nghiệm đã khẳng định con chị bị SXH. Tức là đã vào ngày thứ 4 của bệnh nhưng không hề sốt cao mà chỉ khó chịu, ho như viêm họng, kèm đau nhức mình mẩy.

Theo lời chị Nhơn, khu nhà trọ tại quận Bình Tân nơi chị ở hơn 1 năm nay nhưng chưa ghi nhận có người mắc SXH; đầu năm tới giờ cũng chưa có ai bị SXH. “Tối đi ngủ, hai mẹ con nằm màn rất cẩn thận. Tôi nghi có thể  vừa rồi, khi cho con về quê tại Đồng Tháp, né dịch COVID-19, nơi ở quanh đó có nhiều muỗi, nó bị muỗi chích”, chị Nhơn nói

Tại Bệnh viện Nhi thành phố, ghi nhận vào ngày 16-5, Khoa Nhiễm của BV này cũng đang chăm sóc cho 5 ca bệnh nhi mắc SXH. BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm của BV cho biết, 5 bệnh nhi trên đều nhập  viện trong tuần qua, các bé trong độ tuổi từ khoảng 5-7 tuổi. “Tuy nhiên, trong 5 ca trên không có bé nào trong tình trạng máu cô đặc. Cô đặc máu là một diễn tiến của bệnh SXH cần theo dõi để không vào sốc hay bị nặng hơn”, BS Nam giải thích.

Diễn tiến một ca bệnh SXH  bình thường là 3 ngày đầu là sốt, 2-3 ngày sau là có thể vào diễn tiến cô đặc máu và những ngày sau (ngày thứ 6, thứ 7) là giai đoạn khỏi bệnh dần. Nhưng lúc này mới có nhiều diễn tiến bất thường của SXH. Nó thường nhanh và không lường trước được. Do vậy, SXH là phải theo dõi chặt là vì vậy.

Cũng theo phân tích của BS này, thời gian từ khi con người bị muỗi đốt, siêu vi xâm nhập vào người và tới khi phát bệnh kéo dài có khi 14 ngày. Trung bình từ 7-10 ngày trước khi có biểu hiện triệu chứng, chứ không phải ngay khi bị muỗi chích cơ thể con người đã có biểu hiện SXH ngay. Cơ chế bệnh là sau khi bị muỗi đốt, siêu vi vào cơ thể và 7-10 ngày sau mới phát bệnh.

Tuy nhiên, cho tới hiện tại cũng chưa nghe khuyến cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh về đặc điểm của chủng virus SXH Dengue năm nay có gì đặc biệt. Thường là vào tháng 7 và tháng 8, Viện Pasteur mới xét nghiệm tìm ra những chủng điển hình của virus SXH Dengue của năm, dựa trên số ca mắc chiếm tỉ lệ cao nhất của chủng virus đó để xác định.

Phòng ngừa sốt xuất huyết trước nguy cơ “dịch chồng dịch”

Theo BS Nguyễn Trần Nam, trong phòng ngừa bệnh cho trẻ khỏi SXH, có 3 việc đó là phải luôn đề phòng vì SXH là bệnh quanh năm. Đề phòng là loại trừ nơi trú ngụ của muỗi tại nơi mình ở; hạn chế để vật dụng chứa nước, vật thải quanh nhà. Thứ  2, khi bị bệnh là phải đi khám, không được tự ý điều trị hay nhờ “thầy lang” tới cắt lễ, hay dùng các biện pháp chữa dân gian với bệnh SXH. Vì SXH có những diễn tiến nhanh và nặng vào những ngày cuối của bệnh, không xử trí được kịp thời nếu không có BS. Cuối cùng là sử dụng các biện pháp phòng chống muỗi như: mặc áo dài tay, bôi thuốc chống muỗi.

“Trong 5 ca bệnh đang nằm tại BV Nhi thành phố đều là đang theo dõi chứ không khẳng định là nhẹ. Vì diễn tiến SXH rất bất thường. Thường sau 1 tuần mới trả lời được ca đó nặng hay không”, BS Nam nhấn mạnh.

Theo các BS, trong hoàn cảnh còn phải đề phòng dịch COVID-19 như hiện nay, các trường học, nhất là trường mầm non cần làm thật tốt công tác vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên bằng cách là lau chùi, khử khuẩn sàn nhà, bàn ghế, các vật dụng cá nhân, tay nắm cửa, khẩu trang. Phòng tránh tới tối đa không để xảy ra việc lây nhiễm COVID 19. Luôn có dung dịch rửa tay sát khuẩn để trẻ có ý thức rèn luyện ý thức vệ sinh, và đặc biệt xung quanh ngôi trường nơi dạy học sinh cần phát quang bụi rậm để muỗi không có chỗ ẩn nấp, sinh sôi phát triển. Chú ý dọn dẹp các vật dụng chứa nước như lu, chậu trồng cây, lọ hoa, bình bông… bỏ quên trong sân trường.

Nếu các lớp học có tổ chức bán trú, phải cho trẻ nằm màn; đặc biệt hết sức tránh để trẻ nằm gần nhau. Tại các trường có tổ chức học 2 buổi/ngày thì phải lưu ý, nếu không giữ được điều kiện nằm ngủ giãn cách nhau 1 mét trở lên thì nhất thiết là phải để trẻ nằm quay lưng vào nhau khi ngủ, phòng tránh lây bệnh khi ho, hắt hơi, sổ mũi. Trường dạy cho trẻ những việc làm thường xuyên quan trọng như: biết cách lấy tay che miệng, mũi khi ho, tránh lây cho bạn. Sau đó, chính thầy cô phải có ý thức sát khuẩn tay.

Ngoài ra, một điều cần chú ý nữa trong các ca bệnh SXH năm nay, đó là khu vực phía Nam với một đặc thù, “đuôi” của dịch SXH bao giờ cũng vắt qua mùa mưa và kéo dài sang tháng 2, tháng 3 năm sau. Chính vì vậy, nhiều khi thấy dịch SXH lên tới đỉnh dịch vào tháng 9, tháng 10 mà chủ quan cho là đã hết dịch, không chú ý phòng ngừa thì dễ xảy ra những ca bệnh nặng vào thời điểm này. 

Nguồn báo Công an Nhân dân

 


Các bài viết liên quan