Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền tây
Số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ liên tục tăng, gấp hai lần năm trước, trong đó số ca nặng tăng gấp ba, nguy cơ tử vong cao. Các bệnh viện phải kê thêm giường ở hành lang, điều chuyển người bệnh sang các khoa khác để điều trị mà vẫn luôn quá tải.
Mặc dù mới đầu mùa mưa ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng số ca mắc sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng mạnh và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh trong vùng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, dịch truyền tại nhiều bệnh viện khiến việc điều trị người bệnh gặp nhiều khó khăn.
Kê thêm giường, thiếu cơ số thuốc
Tại tỉnh Đồng Tháp, trong tuần gần đây nhất số người mắc bệnh tăng 35,3% so với tuần trước đó, trong tuần có 4 ca nặng. Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.410 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 299% so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu mùa dịch đến nay, tỉnh Đồng Tháp cũng có hai ca bệnh sốt xuất huyết tử vong trên địa bàn huyện Hồng Ngự cùng nguyên nhân do điều trị chậm trễ. Hiện mỗi ngày, tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp tiếp nhận gần 30 trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vào điều trị, phần lớn là các trường hợp nặng, mắc nhiều ngày được chuyển tuyến hoặc chuyển cấp cứu. Tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, điều dưỡng trực Nguyễn Kim Thảo cho biết, khoa đang điều trị hơn 120 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Do người bệnh nhập viện tăng cao, cho nên số giường bệnh dành cho nhóm bệnh nhân này hiện đã quá tải, phải kê thêm các giường tại hành lang. Trong số các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp có cả người lớn và trẻ em; có những trường hợp chậm phát hiện, nhưng cũng có trường hợp được phát hiện khá sớm mà bệnh vẫn diễn tiến rất nhanh.
Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, Nguyễn Hoàng Việt cho biết, mấy hôm nay, ngày nào cũng có một, hai ca bệnh sốt xuất huyết nặng sốc. Đáng chú ý, hiện nay một số thuốc chuyên điều trị sốt xuất huyết thì hiện không có, mà chỉ những loại thuốc cơ bản. Mặt khác, từ quá trình tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy việc điều trị ở tuyến huyện chưa đạt yêu cầu, có một số trường hợp nặng, chuyển tuyến chưa phù hợp.
Sáng đầu tuần, Bệnh viện chuyên khoa Sản nhi tỉnh Sóc Trăng càng thêm đông đúc khi các phụ huynh đưa con em đến khám, điều trị bệnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hà, Giám đốc Bệnh viện cho biết, những ngày qua bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Đặc biệt số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tiếp nhận tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và số ca bệnh nặng tăng gấp ba lần. Đến ngày 20/6 tổng bệnh nội trú 478 ca thì bệnh nhi là 342 ca và sốt xuất huyết gần 70 ca. Tại Khoa Hồi sức, các giường bệnh đều đã kín nên bệnh viện cố gắng tận dụng các khu điều trị khác để điều trị bệnh nhi. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là cơ số thuốc không đủ. Bệnh viện chỉ còn 145 chai dịch truyền cao phân tử 500ml HES 6% (200/0,5) không đủ điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết Deugue.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền cho biết, dịch sốt xuất huyết bùng phát do năm nay mưa sớm và người dân vẫn còn chủ quan với dịch bệnh. Trừ huyện Tri Tôn có số ca mắc thấp, còn lại của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn An Giang, số ca mắc tăng vượt trên 100% so với cùng kỳ. Riêng các huyện Châu Phú tăng 997%, Phú Tân tăng 792%, An Phú tăng 967%, Tịnh Biên tăng 780%, Thoại Sơn tăng 770% và thị xã Tân Châu tăng 1.031% so với cùng kỳ năm 2021. "Hiện nay số ca bệnh mắc sốt xuất huyết đang bùng phát toàn tỉnh với hơn 5.000 ca mắc, tăng 390% so với cùng kỳ và tỉnh có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ hai khu vực phía nam", Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang thông tin.
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp
Đến ngày 20/6, tỉnh Sóc Trăng có 406 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 244 ca (tăng 151%) so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng 30 ca, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2021; cơ quan chuyên môn phát hiện 207 ổ dịch, tăng 138 ổ dịch... Đáng chú ý, số ca nhiễm không chỉ ở trẻ em mà còn có cả người lớn. Tại Sóc Trăng đã có hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu và xã Viên Bình, huyện Trần Đề. Hiện cơ quan chức năng đang triển khai chiến dịch diệt loăng quăng với quy mô toàn huyện ở các huyện Thạnh Trị, Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu… Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền, giáo dục trong các nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học về tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng tập trung cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, vì vậy, việc điều phối nguồn lực cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết còn hạn chế. Từ đó số ca mắc và ổ dịch bệnh sốt xuất huyết tăng lên đáng kể. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2022 có chiều hướng tăng nhanh, nhất là đầu mùa mưa đến nay. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền, Trưởng khoa Ký sinh trùng-Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng) cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm; thực hiện công tác quản lý chuyên môn, tham mưu, chỉ đạo tuyến; các hoạt động đào tạo, tập huấn; dự trù các trang thiết bị, hóa chất cho các hoạt động phòng, chống dịch.
Tuy vậy, hiện số ca bệnh ghi nhận tăng nhanh, dự báo dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh trong thời gian tới. Cho nên các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong các hoạt động can thiệp làm giảm mật độ côn trùng trên diện rộng bằng các chiến dịch diệt loăng quăng, kết hợp xử lý dịch chủ động bằng hóa chất ở các khu vực nguy cơ cao. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Điền khuyến cáo "bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng ngừa và chưa có thuốc đặc trị nên mỗi gia đình, mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức… cần thực hiện diệt loăng quăng, diệt muỗi, góp phần giảm tỷ lệ nhiễm bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, gia đình và cộng đồng".
Tương tự, bác sĩ Dương Ân Hận, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay dịch sốt xuất huyết diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là các huyện Cao Lãnh, Hồng Ngự, Thanh Bình, thành phố Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự và có nguy cơ tiếp tục duy trì ở mức cao. Tỉnh đang phát huy vai trò của khóm, ấp, khu phố vận động từng hộ dân đồng lòng diệt loăng quăng trong ngôi nhà mình. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp đang chuẩn bị mua số lượng lớn thuốc diệt côn trùng, nhưng việc mua loại thuốc này gặp khó khăn do thuốc đang tăng giá, thậm chí doanh nghiệp không báo giá. Hiện nay có tình trạng khu vực nào có ca bệnh thì người dân khu vực đó sợ mắc sốt xuất huyết, còn những khu vực khác thì vẫn xuất hiện tình trạng chủ quan, hoặc quên phòng ngừa sốt xuất huyết.
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “29 ca tử vong do sốt xuất huyết”; Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Không được chủ quan với dịch sốt xuất huyết”; Hà Nội mới, trang 7: “Từ đầu năm đến nay, ghi nhận 62.955 trường hợp mắc sốt xuất huyết”.
Nguồn báo Nhân dân