Dịch sốt xuất huyết bùng phát tại nhiều tỉnh miền Tây

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại nhiều tỉnh miền Tây, ngành y tế phải vất vả phòng, chống dịch bệnh.

Dịch bệnh tăng gấp 10 lần tại nhiều huyện ở An Giang

Ngày 14.6, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 5.6, toàn tỉnh có 4.557 ca mắc SXH, tăng hơn 3.500 ca và tăng 387% so cùng kỳ năm 2021.

Có 10/11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh An Giang (trừ H.Tri Tôn) có số ca mắc SXH tăng vượt trên 100% so với cùng kỳ, trong đó có 6/11 địa phương tăng trên 500% so cùng kỳ.

Cụ thể, H.Châu Phú tăng 997% với 735 ca; H.Phú Tân tăng 792% với 535 ca; TX.Tân Châu tăng 1.031% với 396 ca; H.An Phú tăng 967% với 448 ca; H.Tịnh Biên tăng 780% với 387 ca và H.Thoại Sơn tăng 770% với 383 ca.

Theo ông Hiền, tuy số ca mắc SXH tại An Giang tăng, nhưng đến nay tỉnh chưa ghi nhận ca tử vong. Dự báo đến tháng 7, dịch SXH tại An Giang sẽ chạm đỉnh.

Chỉ đạo tại hội nghị phòng, chống dịch bệnh vào sáng 14.6, ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, yêu cầu các ngành, các địa phương trong tỉnh khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân, không để dịch bùng phát, lan rộng, tránh tình trạng “dịch chồng dịch”.

Đồng Tháp có 2 ca tử vong

Tính từ đầu năm đến ngày 10.6, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 1.968 ca mắc SXH, tăng 1.391 ca (gần 250%) so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có 59 ca mắc nặng và 2 ca tử vong thuộc H.Hồng Ngự. Dịch SXH đang bùng phát và lây lan mạnh ở H.Hồng Ngự với 378 ca, TP.Hồng Ngự 287 ca, TP.Cao Lãnh 251 ca…

Ngành y tế tỉnh đã triển khai một đợt chiến dịch diệt lăng quăng và xử lý 565 ổ dịch SXH tại 12 huyện, thành phố. Đồng thời, ra quân phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường, thị trấn của H.Hồng Ngự và TP.Hồng Ngự.

Bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ TT.Thường Thới Tiền, H.Hồng Ngự) có cháu 10 tuổi mắc bệnh SXH đang điều trị tại Trung tâm Y tế H.Hồng Ngự, cho biết: Bé bị sốt, nhức đầu, ói. Cứ tưởng là cháu bị nóng sốt bình thường. Xét nghiệm ra thì bác sĩ nói bị SXH, kêu nhập viện điều trị”.

Theo BS.CK2 Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, mưa, nắng đan xen và nhiệt độ trung bình các ngày ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, gây bệnh SXH. Ngoài ra, tình hình SXH tăng cao cũng do chu kỳ bệnh vài năm lại tăng một lần.

“Trong 2 năm rồi, số ca mắc SXH tại Đồng Tháp giảm. Còn năm nay tăng là do đến chu kỳ bệnh, cứ 2 đến 3 năm thì nó tăng cao lại. Chúng tôi cần trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể và người dân phải tham gia cùng với ngành y tế tổ chức những chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng. Phải làm liên tục để kiểm soát dịch bệnh, không để bùng phát lan rộng”, ông Bửu nói. 

Nguồn báo Thanh niên

 


Các bài viết liên quan