Dịch diễn biến nhanh: Nhiều biện pháp ứng phó

Hôm qua, Bộ Y tế cho biết đang áp dụng nhiều biện pháp ứng phó COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc trong cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng tăng nhanh ở nhiều địa phương, nguồn cung ôxy y tế đang thiếu hụt.

Bộ Y tế cho biết, trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 tính đến ngày 16/12, cả nước ghi nhận hơn 1,4 triệu ca mắc, gần 29.000 ca tử vong.

Hỗ trợ thuốc, nhân lực, thiết bị y tế

Trước diễn biến ca bệnh tăng nhanh ở các địa phương, Bộ Y tế đã điều động 16 bệnh viện trung ương hỗ trợ 11 tỉnh, thành phố về công tác điều trị, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lí có kinh nghiệm chống dịch để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía Nam có số ca nặng và tử vong cao. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang đều đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cấp phát bổ sung thuốc kháng virus Molnupiravir, thuốc điều trị Remdesivir... Một số tỉnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ máy thở HFNC, duy trì và hỗ trợ thêm về nhân lực y tế hồi sức cấp cứu...

Đối với đề xuất của các địa phương về thuốc điều trị, máy thở, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn giao Cục Quản lí Khám chữa bệnh trao đổi, phối hợp với các Vụ, Cục liên quan để điều phối, cấp phát ngay cho các địa phương. Riêng thuốc Molnupiravir, các địa phương gửi báo cáo đề xuất nhu cầu về Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế). Các địa phương khi nhận được thuốc phải sử dụng hiệu quả, hợp lí và có phương án cụ thể để sẵn sàng chuyển đến cho F0 điều trị tại nhà và cộng đồng.

Ông Sơn cho hay, số lượng ca mắc COVID-19 tại các địa phương phía Nam tiếp tục tăng, do đó việc theo dõi, quản lí F0 tại nhà phải có trọng tâm, trọng điểm. Thực tế cho thấy, phần lớn ca tử vong tại các tỉnh, thành phía Nam là người trên 50 tuổi có bệnh nền và đa số chưa tiêm vắc xin. “Vì thế, cùng với tiếp tục duy trì, nâng cao năng lực của các Trung tâm hồi sức điều trị người bệnh COVID-19, các tỉnh, thành phố phía Nam còn cần phải tăng cường quản lí người trên 50 tuổi có bệnh nền để giám sát chủ động, rà soát tiêm vắc xin, có thể tiêm tại nhà với trường hợp không thể đến điểm tiêm”, ông nói.

Đánh giá nguyên nhân tử vong

Trước thực trạng lực lượng chuyên môn y tế đang thiếu trong khi số F0 gia tăng, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị giám đốc Sở Y tế các địa phương tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, thành phố chỉ sử dụng lực lượng y tế cho chuyên môn y tế, lực lượng khác như đoàn thanh niên... hỗ trợ làm việc hành chính. “Có như thế mới tạo nên sự phân bố nhân lực hợp lí. Đồng thời, các tỉnh, thành cũng cần có chế độ đãi ngộ phù hợp với lực lượng tham gia phòng chống dịch”, ông Sơn nói. Ông đồng thời lưu ý, tại tầng điều trị 3 phải giám sát các trường hợp tử vong, đánh giá nguyên nhân để có khuyến cáo phù hợp với các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong điều trị, chủ động thực hiện mô hình “bệnh viện chị em”, giữa bệnh viện tầng 3 với các tầng dưới phối hợp nhịp nhàng, đặc biệt trong hội chẩn, chuyển tuyến bệnh nhân COVID-19 nặng phù hợp, kịp thời.

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, như thường xuyên rà soát cập nhật các cấp độ dịch bám sát thực tế tình hình dịch, trong trường hợp cần thiết, tăng cường một số biện pháp phòng chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách li F1 tại nhà, nơi lưu trú; truyền thông nâng cao ý thức người dân thực hiện triệt để 5K. Đặc biệt, truyền thông thống nhất nhận thức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc + biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + đề cao ý thức người dân” và các biện pháp khác... Các Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lí F0 tại cộng đồng.

Thiếu hụt nguồn cung ôxy

Bộ Y tế nhận định, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc nói chung và tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực miền Tây đang có chiều hướng bùng phát, gia tăng mạnh. Theo phản ánh của một số Sở Y tế (Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang...) và một số nhà cung ứng ôxy lớn trong khu vực, đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung ôxy y tế từ các nhà sản xuất. Lí do là vì đã tập trung trở lại cung ứng cho các ngành công nghiệp, ngành sản xuất.

Vì thế, Bộ Y tế đặc biệt đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và phân phối ôxy y tế tại Việt Nam cam kết, tập trung ưu tiên nguồn sản xuất, cung ứng ôxy y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch, cứu chữa người bệnh COVID-19 trong tình hình dịch bệnh gia tăng hiện nay. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức phối hợp, rà soát thực hiện, không để chậm trễ trong sản xuất, cung ứng, phân phối ôxy y tế.

Nguồn báo Tiền phong

 


Các bài viết liên quan