Dịch COVID-19 tại Hà Nội: Vẫn đang trong tầm kiểm soát

Với việc ca mắc COVID-19 ngày một tăng cao, y tế, chính quyền cơ sở ở Hà Nội gặp rất nhiều áp lực. Nhiều trường hợp F0 phản ánh không được đưa đi điều trị, phát thuốc kịp thời.

Quá tải

Ngày 14/12, anh Vũ Đình Phong (40 tuổi, trú tại tầng 16, chung cư HH3A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đại diện cho cư dân sống cùng tầng có đơn cầu cứu gửi lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt. Theo đơn của anh Phong, tại tầng 16 có gia đình 4 trường hợp F0 nhưng đến nay, sau 5 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vẫn chưa được đưa đi cách ly hay có biện pháp gì trong công tác phòng chống dịch.

“Tối 8/12, một phụ nữ sống cùng chồng và hai con tại tầng 16 báo với tôi đã bị dương tính SARS-CoV-2. Tôi trình báo lên tổ dân phố, Ban Quản lý toà nhà và toàn bộ cư dân. 10 giờ sáng ngày 9/12, cán bộ y tế phường có lên xét nghiệm COVID-19 cho cả tầng (trừ F0 ban đầu). Ngày 11/12, F0 ban đầu báo cho tôi cả nhà họ đã dương tính. Ngay ngày hôm đó tổ trưởng dân phố có phát trang phục bảo hộ và yêu cầu gia đình F0 chuẩn bị đi cách ly. Tuy nhiên, đã 5 ngày trôi qua, nhưng chính quyền cơ sở, y tế phường vẫn chưa có động thái cụ thể nào để đưa 4 F0 (trong đó 2 trẻ nhỏ chưa tiêm vắc xin) đi thăm khám và cách ly”, anh Phong nêu.

Theo anh Phong, những ngày qua gia đình nhiễm cũng như cư dân trong tầng rất hoang mang, bức xúc, lo lắng không yên.

Trao đổi với PV Tiền Phong trưa 15/12, đại diện lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết đã nắm được thông tin về vụ việc. Theo vị này, do chưa có thông tin xác nhận chính thức F0 từ đơn vị chuyên môn cao nhất là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nên chưa thể ra quyết định cách ly, điều trị như trường hợp F0. Cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cũng đã có dấu hiệu quá tải, nên rất khó bố trí. “Hơn nữa, hiện nay thành phố có chủ trương điều trị F0 tại nhà. Chúng tôi cho lấy mẫu lại, xét nghiệm nếu khẳng định là F0 sẽ cho điều trị, cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện”, vị này cho biết.

Cũng theo đại diện lãnh đạo phường Hoàng Liệt, hiện nay, do F0 tăng cao, áp lực lên hệ thống chính quyền, y tế cơ sở là rất lớn. “Nếu có điều kiện, các phóng viên nên đến tìm hiểu thực tế về việc cơ sở làm việc, ăn, ngủ, nghỉ thế nào trong những ngày này. Rất vất vả”, vị này thông tin.

Một người dân sinh sống trên địa bàn phường Trung Phụng (quận Đống Đa) cho biết, gia đình chị có 8 người. Ngày 9/12 có 1 trường hợp là F0 được đưa đi cách ly điều trị. Ngày 11/12 có kết quả dương tính thêm 3 người nữa, trong đó có một người bị bệnh nền bại não, động kinh (9 tuổi). Theo chị này, từ thời điểm đó, các trường hợp F0 không được đưa đi điều trị, trong khi y tế phường nói tiếp tục chờ vì quá tải, chưa có nơi tiếp nhận. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo phường Trung Phụng cho biết, địa phương đã trao đổi lại, sẽ bố trí đưa các F0 đi điều trị sớm nhất có thể.

Lấy y tế cơ sở làm nòng cốt

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sáng 15/12, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh, không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, số bệnh nhân mới phát sinh bình quân một tuần gần đây đã tăng lên hơn 750 ca/ngày so với khoảng 460 ca/ngày trong một tuần trước đó. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Ông Dũng cho biết, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo tập trung tối đa cho tuyến cơ sở để phòng, chống dịch; đặt y tế cơ sở là trọng tâm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ.

Theo đó, từng quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đánh giá và xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động theo số dân và từng cấp độ dịch. Ngành Y tế phải có hướng dẫn về chuyên môn, nhất là trang thiết bị và con người cho các trạm y tế. Từng phường, xã, thị trấn phải có phương án cụ thể để chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực tương ứng với số lượng trạm y tế lưu động sẵn sàng triển khai khi số ca F0 tăng mạnh. “Chúng ta phải tổ chức thực hiện theo hướng lấy y tế cơ sở làm nòng cốt để chiến thắng dịch bệnh. Quá trình thực hiện vừa làm, vừa đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức diện rộng toàn thành phố”, ông Dũng nêu rõ.

Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo toàn diện việc tổ chức phương án bố trí trạm y tế lưu động, tăng cường năng lực y tế cơ sở đáp ứng các cấp độ dịch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Nguồn báo Tiền phong

 


Các bài viết liên quan