Dập bạch hầu như dập Covid-19

Chỉ hai ngày sau khi có quyết định triển khai tiêm ngừa vắcxin bạch hầu diện rộng tại 4 tỉnh Tây Nguyên, chiến dịch tiêm ngừa bệnh bạch hầu đã được phát động tại huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai chiều 9-7.

Theo ông Nguyễn Thanh Long - quyền bộ trưởng Bộ Y tế, sẽ có 4,7 triệu người dân từ 2 tháng tuổi trở lên của 4 tỉnh Tây Nguyên được tiêm ngừa vắcxin này.

Gấp rút triển khai chiến dịch

Có 2 điểm lạ trong vụ dịch này: thông thường bạch hầu xuất hiện ở trẻ nhỏ, nhưng trong vụ dịch này phần lớn người mắc bệnh lại trên 7 tuổi, thậm chí có người gần 60 tuổi. Điểm thứ 2, tỉ lệ tử vong trong số mắc bệnh cao hơn trung bình, khoảng 5,6%, trong khi thông thường ở cộng đồng đã được tiêm ngừa tỉ lệ tử vong khoảng 3%.

Số mắc bệnh vẫn có dấu hiệu gia tăng, dù cơ quan chức năng khẳng định đã tích cực khoanh vùng dập dịch. Vài ngày trước vùng Tây Nguyên có 53 ca mắc bạch hầu, đến ngày 9-7 con số này đã là 68 ca, 3 ca tử vong.

Chính vì vậy, chiến dịch tiêm vắcxin ngừa bạch hầu diện rộng đã được triển khai rất nhanh, thay vì bắt đầu từ quý 4-2020 theo lịch trước đây. Chiều 7-7, Bộ Y tế thông báo kế hoạch tiêm chủng và hai ngày sau chiến dịch đã được triển khai với một số lượng người được tiêm rất lớn: khoảng 4,7 triệu mũi tiêm và còn đang rà soát thêm, khoảng 11 triệu mũi tiêm.

"Chúng tôi đã sẵn sàng vắcxin và cung cấp ngay cho 4 tỉnh Tây Nguyên, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ luôn bơm kim tiêm cho chiến dịch. Trẻ 2-4 tháng tuổi sẽ tiêm vắcxin 5 trong 1, từ 18 tháng tuổi trở lên tiêm vắcxin 3 trong 1 (có thành phần bạch hầu), 7 tuổi trở lên tiêm vắcxin bạch hầu - uốn ván giảm liều. Đây là loại vắcxin rất an toàn" - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho biết.

Vẫn có một số khó khăn khi triển khai chiến dịch. Vắcxin đủ, vật tư y tế đủ, nhưng người dân có đi tiêm hay không? Thời gian qua đã có tình trạng người có chỉ định tiêm vắcxin, uống kháng sinh phòng bệnh không tiêm hay uống do cho rằng mình không có bệnh nên không phải dự phòng. 

Tuy nhiên, ông Viên Chinh Chiến, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết một số vùng đã lập nhóm vận động, mang thuốc kháng sinh đến tận nhà người dân. Giải pháp vận động sẽ được áp dụng với chiến dịch tiêm ngừa này.

"Truy vết" bạch hầu như COVID-19

Theo quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế sẽ đưa phần mềm và nhóm "truy vết" áp dụng trong dịch COVID-19 vào ngăn dịch bạch hầu. Trong dịch COVID-19, nhóm này đã làm việc 24/24 giờ với hiệu quả tốt, nay dịch bạch hầu cũng là bệnh lây qua đường hô hấp, nguy cơ lây lan cao nên cũng áp dụng truy vết để khoanh vùng ổ dịch tương tự.

"Tiêm vắcxin ngừa bạch hầu làm giảm nguy cơ biến chứng, nguy cơ mắc bệnh nhưng mầm bệnh vẫn còn, vì vậy phải phát hiện thật sớm ca mắc, khoanh vùng ổ dịch, cho uống kháng sinh dự phòng và cuối cùng tiêm vắcxin là giải pháp căn cơ để năm sau, năm sau nữa không có dịch" - ông Long chia sẻ.

Đây là chiến dịch tiêm ngừa có quy mô lớn thứ 2 ở Việt Nam trong 10 năm qua. Trước đó, năm 2014-2015 đã có khoảng 20 triệu trẻ được tiêm vắcxin ngừa sởi - rubella. Tuy nhiên, đây là tiêm ngăn chặn dịch nên thời gian chuẩn bị nhanh chóng hơn, gấp rút hơn để sớm có miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng khu vực Tây Nguyên và từ đó ngăn dịch lây lan sang các tỉnh lân cận, cả nước. (Tuổi trẻ, trang 14; Nhân dân, trang 8; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Lao động, trang 1; An ninh thủ đô, trang 7; Tiền phong, trang 1; Phụ nữ Việt Nam, trang 14).

Nguồn báo Nhân dân

 


Các bài viết liên quan