Đảm bảo chính xác kết quả sàng lọc Covid-19
GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết thêm việc gộp chung các mẫu xét nghiệm, thay vì làm từng mẫu, vẫn cho kết quả chính xác và nhanh hơn.
Liên quan phương pháp xét nghiệm “gộp mẫu” (xét nghiệm nhóm) sàng lọc ca bệnh Covid-19 được triển khai tại Đà Nẵng, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám - chữa bệnh, Phó trưởng tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, người đề xuất thực hiện, cho biết: “Đến nay, thế giới đã có nhiều nghiên cứu chứng tỏ hiệu quả của phương pháp gộp mẫu (Pool) thực hiện xét nghiệm Realtime PCR để phát hiện SARS-CoV-2”.
Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, ngày 15.6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm của Trung tâm truyền máu Frankfurt (Đức) về dùng phương pháp Pool để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR...
Ông Khuê cho biết, tại Việt Nam đã có quy định về xét nghiệm gộp mẫu (tại Thông tư số 26 năm 2013 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn hoạt động truyền máu”). Hiện tại, các trung tâm truyền máu lớn đang thực hiện kỹ thuật Pool trong nhiều năm nay để sàng lọc 5 mầm bệnh trong túi máu là: HIV, giang mai, viêm gan..., đặc biệt Trung tâm máu quốc gia và Trung tâm truyền máu thuộc Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM là hệ thống xét nghiệm PCR tự động công suất lớn đã thực hiện.
Ông Khuê đánh giá: “Như vậy, việc thực hiện gộp mẫu cũng đã được áp dụng tại một số quốc gia với các hình thức gộp mẫu khác nhau. Có các nghiên cứu thì lấy mẫu riêng lẻ sau đó chuyển về phòng xét nghiệm mới thực hiện gộp để tránh việc phải quay lại lấy lại mẫu sau khi có trường hợp dương tính, có nghiên cứu thì cách gộp mẫu khác. Cho dù, cách gộp mẫu nào đi chăng nữa thì các phòng xét nghiệm cũng cần thận trọng để đảm bảo về chất lượng”.
GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết thêm việc gộp chung các mẫu xét nghiệm, thay vì làm từng mẫu, vẫn cho kết quả chính xác và nhanh hơn. Trung bình, có thể gom 5 mẫu máu trong 1 lần (1 ô) xét nghiệm, với 100 ca cần xét nghiệm, sẽ chỉ làm 20 lần, thay vì phải làm đủ 100 lần. Sau khi xét nghiệm, ô nào có kết quả dương tính, sẽ thực hiện riêng từng mẫu, để khẳng định mẫu nào dương tính. Các ô âm tính, sẽ không cần phải xét nghiệm gì thêm.
“Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm sinh phẩm, chi phí. Mỗi lần thực hiện có thể gom 5 - 10 mẫu”, GS-TS Đức Anh đánh giá.
“Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã và đang phối hợp làm việc với các chuyên gia trong nước và quốc tế để Bộ Y tế sớm ban hành quy trình, áp dụng thống nhất trong cả nước, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng kết quả xét nghiệm”, ông Khuê khẳng định.
Nguồn báo Thanh niên