Đắc Lắc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu

Đắc Lắc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu

Ngày 20-7, đoàn công tác của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) do Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đã có buổi làm việc với ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk về tình hình và công tác phòng, chống dịch, trong đó có bệnh bạch hầu.

Tại buổi làm việc, Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, nâng tổng số bệnh nhân mắc bạch hầu toàn tỉnh lên 18 trường hợp. 

Theo đó, một trường hợp vừa được phát hiện dương tính với bạch hầu là thanh niên 19 tuổi, trú tại xã Cư Drăm, huyện Krông Bông.

Hiện, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 18 trường hợp dương tính với bạch hầu tại năm huyện, gồm huyện Lắk có một trường hợp, huyện M’Đrắk có bảy trường hợp, huyện Cư M’gar có sáu trường hợp, huyện Krông Bông ba trường hợp và huyện Cư Kuin có một trường hợp. Trong số 18 trường hợp nói trên thì có chín người lành mang trùng bạch hầu. 

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng phối hợp các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngành y tế tỉnh đã lấy tổng cộng 138 mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm. Đồng thời, đã triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh bạch hầu cho các địa phương có trường hợp dương tính với bạch hầu; chuẩn bị tiêm vắc xin Td cho 7.500 cán bộ, nhân viên y tế (cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân) trên toàn tỉnh, sau đó sẽ triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh.

Dự kiến, tổng số liều vắc-xin phòng bạch hầu cho toàn tỉnh là 3,7 triệu liều với kinh phí khoảng 32 tỷ đồng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Số ca dương tính với bạch hầu trên địa bàn tỉnh đang tăng lên từng ngày nên cần phải triển khai sớm công tác tiêm vắc-xin để kịp thời ngăn chặn và phải có kế hoạch cụ thể. Đối với những khu vực đang có dịch bệnh thì phải được ưu tiên trước.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Tiến sĩ Đặng Quang Tấn đề nghị tỉnh đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc-xin phòng bạch hầu ở các vùng sâu, vùng xa, nhất là các địa phương đã có trường hợp mắc bệnh bạch hầu thì ưu tiên triển khai tiêm trước để ngăn chặn tình trạng lây lan của bệnh bạch hầu trong cộng đồng. (Nhân dân, trang 5).

Số ca tử vong do mắc bệnh dại và bạch hầu gia tăng

Ngày 21-7, tại hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm và triển khai chiến dịch tiêm vaccine bạch hầu khu vực Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 6 tháng qua, nhiều bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Nguyên giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, song cũng có một số dịch bệnh nguy hiểm gia tăng cả về số ca mắc lẫn tử vong.

Trong đó, các dịch bệnh đáng lưu ý như uốn ván sơ sinh tăng 2 ca, bệnh dại tăng cao với 14 ca mắc và cả 14 ca đều tử vong so với 5 ca mắc và tử vong năm 2019. Đặc biệt, bệnh bạch hầu vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng vọt so với năm 2019 và đã có 3 ca tử vong. Chỉ tính từ ngày 6-6 đến ngày 17-7 đã ghi nhận 16 ổ dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk với 114 ca dương tính, trong đó 67 ca có biểu hiện lâm sàng và 37 ca là người lành mang trùng, trong khi cùng kỳ năm 2019 chỉ có 23 ca mắc.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên chú trọng chỉ đạo công tác tiêm chủng mở rộng các cấp, rà soát và đưa chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với đại diện ngành y tế các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum về công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh bạch hầu. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao công tác phòng chống dịch của các địa phương đồng thời lưu ý phải tập trung sức lực, nhân lực, vật chất để khống chế bệnh bạch hầu.

Bộ Y tế sẽ có những chỉ đạo khẩn cấp nhằm khắc phục, giải quyết các khó khăn về trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, các phương thức mua sắm, hình thức áp dụng đối với bệnh nhân cách ly y tế. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 8: “14 người tử vong do chó dại cắn, đã có 16 ổ dịch bạch hầu ở Tây Nguyên”.

Nguồn báo Nhân dân

 


Các bài viết liên quan