Công trình đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019
Giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ Khoa học và Công nghệ được trao cho các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản từ năm 2014. Năm 2019, giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho ba nhà khoa học trong lĩnh vực Cơ học, Y sinh Dược học và Vật lý. PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng – Cán bộ khoa Vi rút Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là nhà khoa học nữ đầu tiên nhận được giải thưởng này kể từ khi giải thưởng được trao. Đây cũng là năm đầu tiên ngành Y sinh Dược học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vinh dự có nhà khoa học đạt được giải thưởng này.
Với công trình “Highly Pathogenic Avian Infuenza A(H5N1) Viruses at the Animal–Human Interface in Vietnam, 2003–2010” được đăng trên tạp chí The Journal of Infectious Diseases, tác giả Nguyễn Lê Khánh Hằng đã được đề cử và đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019.
Nhóm nghiên cứu của PGS Hằng đã tiến hành phân lập các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1 trên người và gia cầm ở Việt Nam năm 2003-2010 rồi tiến hành các phân tích đặc tính di truyền trên cây gia hệ và các đặc điểm sinh học phân tử của chuỗi axit amin cũng như đặc tính kháng nguyên vi rút.
Tổng cộng có 4489 ổ dịch gia cầm H5N1 và 119 trường hợp người nhiễm cúm gia cầm được ghi nhận từ năm 2003 đến năm 2010 ở Việt Nam. Trong đó, các ổ dịch cúm gia cầm được ghi nhận có xu hướng giảm dần theo các năm nghiên cứu. Các ca nhiễm cúm trên người lại có sự biến đổi, năm 2005 ghi nhận nhiều ca mắc cúm nhất với 61 trường hợp (chiếm 51.26% tổng số ca nhiễm). Tuy nhiên, điều thú vị là số lượng các vụ dịch cúm gia cầm độc lúc cao và số lượng người nhiễm cúm lại có mối tương quan chặt chẽ với nhau với hệ số tương quan là 0,76. Điều này chứng tỏ, tại những vùng có nhiều dịch cúm gia cầm thì khả năng người bị nhiễm cúm gia cầm độc lực cao là rất lớn.
Phân tích cây gia hệ gen HA của các chủng cúm H5N1 chỉ ra rằng các chủng thu được ở Việt Nam năm 2003-2010 thuộc 6 phân nhóm (clade 1, 1.1, 2.3.4, 2.3.4.1, 2.3.4.2 và 2.3.4.3). Sự đa dạng di truyền của gen HA hầu như không thay đổi từ năm 2003 đến năm 2007, đến giữa năm 2007 thì tăng lên đáng kể rồi giảm vào năm 2010 được ghi nhận ở cả các chủng cúm trên gia cầm và trên người.
Với kết quả từ phân tích các đột biến giữa chủng cúm độc lực cao trên người và gia cầm, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 34 đột biến axit amin trên phân tử HA có thể xảy ra sau khi vi rút cúm gia cầm H5N1 lây nhiễm trên người. Trong đó có 18 đột biến chỉ xuất hiện trên phân tử protein H5 ở người mà không có trên ở gia cầm. Tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các gen khác, nhóm nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt axit amin tại vị trí 627 trên phân tử protein PB2 đóng vai trò quan trọng trong việc cúm gia cầm nhân lên trong cơ thể người. Ngoài ra, sự thay đổi của 9 axit amin khác có khả năng cần phải quan tâm khi các sự thay đổi này tần suất xuất hiện tăng theo thời gian trên chủng cúm A/H5N1 phân lập ở người trong khi giảm tại số virut phân lập từ gia cầm
Các trường hợp người nhiễm cúm gia cầm độc lực cao thuộc phân nhóm 1.1 trên cây gia hệ gen HA được khẳng định là kháng amantadines (một thuốc điều trị vi rút cúm trên người). Ngoài ra, một số đột biến trên phân tử NA được cho là làm giảm độ nhạy cảm với các thuốc được dùng để điều trị bệnh cúm.
Với những kết quả nghiên cứu nổi bật trên, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng đã đưa ra một phân tích tương đối toàn diện về sự tiến hóa của vi rút cúm gia cầm độc lực cao H5N1 tại Việt Nam giai đoạn 2003-2010. Các tác giả đã tìm ra danh sách các đột biến trên các gen bề mặt cũng như các gen nội bào của vi rút cúm có liên quan đến sự lây truyền từ gia cầm sang người; mối tương quan về không gian và thời gian giữa các vụ dịch cúm gia cầm với các trường hợp người nhiễm cúm gia cầm. Hơn nữa, giả thuyết về việc truyền trực tiếp vi rút cúm gia cầm từ động vật sang người được chứng minh bằng các bằng chứng dịch tễ và sinh học phân tử.
Từ những minh chứng của đề tài, việc tiếp tục duy trì sự giám sát cúm gia cầm trên động vật và người là rất cần thiết. Các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa việc lây nhiễm chéo giữa các loài và vấn đề không chỉ của các nhà khoa học, các nhà quản lý mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc chung tay phòng chống vi rút cúm.
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng tại Trung tâm Cúm Quốc gia