Chưa hẳn an toàn nhưng có niềm tin
Sau 5 tháng bùng phát, đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại TP.HCM và nhiều địa phương đã có dấu hiệu giảm. Dù có thể dịch còn diễn biến phức tạp trên cả nước nhưng với những gì đã trải qua, các chuyên gia y tế tin tưởng sẽ có cách xử lý tốt hơn.
Rất nhiều câu hỏi gửi đến Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức và phó giám đốc Trung tâm hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược Lê Minh Khôi, trong cuộc trò chuyện trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ do Bộ Y tế, báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 18-10. Qua đó cũng gợi mở nhiều điều về tình hình sắp tới.
Có lúc tưởng đã bất lực
Gương mặt Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhiều lần chùng xuống tại buổi trò chuyện khi nói về những thời điểm khó khăn nhất trong đợt dịch này. Theo ông Sơn, thời điểm khó khăn nhất trong đợt dịch này là cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, khi số bệnh nhân tử vong hằng ngày tăng rất cao, có ngày riêng TP.HCM lên tới 340 ca.
"Có những lúc chúng tôi tưởng là bất lực, cá nhân tôi đã một mình đi đến Bình Hưng Hòa, đến các trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19... Với tinh thần nhìn thẳng vào diễn biến của dịch, điều chỉnh các chính sách, đề nghị ngành y tế TP xây dựng mô hình "bệnh viện chị em", giữa 3 tuyến có sự phối hợp để chuyển lên tuyến trên bệnh nhân nặng, chuyển tuyến dưới bệnh nhân nhẹ, hỗ trợ chuyên môn qua hội chẩn tại chỗ, từ xa, phát hiện ca nặng kịp thời" - ông Sơn chia sẻ.
Một thời điểm then chốt nữa mà ông Sơn nhắc đến trong 5 tháng khó khăn vừa qua tại TP.HCM là thời điểm cách ly F0 tại nhà, khi xét nghiệm nhanh dương tính coi như xác định F0, kể cả dương tính phát hiện qua mẫu gộp. "Đây cũng là quyết định táo bạo, là thời điểm hết sức có ý nghĩa trong cuộc đời của chúng tôi" - ông Sơn trải lòng.
Bây giờ chưa an toàn hẳn
Tỉ lệ F0 tại cộng đồng qua xét nghiệm cuối tháng 9 vừa qua ở TP.HCM đã giảm xuống còn 0,1%, thấp hơn rất nhiều so với tháng 8 và đầu tháng 9. TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ đang hồi sinh, dòng người quay trở lại TP làm việc đang đông dần.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, hiện vẫn chưa an toàn hẳn. Quan điểm của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 là an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Đây là những điểm nhấn trong nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế. "Giai đoạn này nếu chúng ta thực hiện tốt sẽ có kết quả tốt, nếu lơ là, chủ quan, tiêm vắc xin không đủ liều, tụ tập đông người thì sẽ đánh mất cơ hội" - ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng đánh giá hiện tại lực lượng, đội ngũ nhân lực, thiết bị y tế, kinh nghiệm chống dịch... đã tốt hơn rất nhiều ở giai đoạn đầu dịch bùng phát ở khu vực phía Nam. "Những ngày vừa qua, các đồng nghiệp y khoa cả nước đã tập trung về khu vực phía Nam, cùng tổ chức bệnh viện, phổ biến phương pháp theo dõi điều trị bệnh nhân hồi sức, tâm thế chống dịch hiện nay đã khác vì số lượng người có
kinh nghiệm đã gia tăng. Nếu dịch bùng phát trở lại, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hụt y bác sĩ hồi sức cấp cứu như thời gian đầu" - ông Sơn khẳng định.
Nhưng hy vọng sẽ không còn những ngày "xấu, đen"
Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ bản thân ông rất đau xót và đã chứng kiến nhiều hình ảnh người nhiễm COVID-19 tử vong. Để không xảy ra tình trạng này, từ các cấp chính quyền đến người dân cần phải có ý thức cùng nhau phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện tốt những khuyến cáo trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
"Với ý thức mỗi cá nhân và cộng đồng được nâng cao và sự mạnh mẽ của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, đặc biệt khi có vắc xin và những loại thuốc điều trị mới, tôi tin tưởng rằng tương lai "xấu, đen" (đợt dịch mới bùng phát - PV) không xảy ra nữa" - ông Sơn nói.
TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - cũng tin rằng với nghị quyết 128 của Chính phủ, hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, đặc biệt là chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đang diễn ra trên diện rộng... sẽ không làm bùng phát dịch thêm lần nữa.
"Tôi mong muốn tất cả người dân Việt Nam sẽ được tiêm vắc xin trong thời gian sớm nhất. Nếu xảy ra điều không mong muốn thì chắc chắn tỉ lệ chuyển nặng và tử vong cũng sẽ giảm, giống như thời điểm hiện tại" - bác sĩ Thức nói. Đồng thời cho biết hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Hồi sức COVID-19 TP.HCM, số bệnh nhân mới, chuyển nặng và tử vong nhập viện giảm rõ rệt.
Vẫn phải "5K + vắc xin"
Trong buổi trò chuyện, bạn đọc có hỏi trường hợp bệnh nhân đã hết bệnh, nếu không bị tái nhiễm thì không lây cho người khác, như vậy có cần thực hiện biện pháp 5K không? PGS.TS Lê Minh Khôi - phó giám đốc Trung tâm hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết theo tiêu chuẩn Bộ Y tế, F0 hết bệnh thì không còn khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, để đánh giá một người bệnh có tái nhiễm hay không rất khó bởi virus vô hình.
Như vậy, về mặt khoa học, người hết bệnh sẽ không lây cho người tiếp xúc nếu họ không thực hiện 5K, tuy nhiên khi ra ngoài cộng đồng không biết được mình có mang virus hay không dù trước đó có kết quả âm tính.
"Hai biện pháp cực kỳ quan trọng vào trước, trong và đến bây giờ là 5K và vắc xin. 5K giúp tránh lây nhiễm, còn vắc xin giúp tránh chuyển nặng. Chúng ta đừng nghĩ rằng âm tính rồi thì không lây vì không biết lúc nào tái dương tính và không hình dung là vật mang mầm bệnh" - ông Khôi lý giải.
Nguồn báo Tuổi trẻ