Chủ động trước dịch bệnh mùa đông - xuân

Thời tiết mùa đông - xuân luôn tiềm ẩn những yếu tố thuận lợi để nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển. Do đó, ngay tại thời điểm này, ngành Y tế đã lên kế hoạch ứng phó trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nếu chủ quan, không vào cuộc quyết liệt, thì càng giáp Tết, công tác chống dịch sẽ càng vất vả.

Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát

Theo Bộ Y tế, trong 10 tháng của năm 2019, cả nước đã ghi nhận hơn 67.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, với 2 trường hợp tử vong; 510 trường hợp mắc viêm màng não do vi rút, với 12 trường hợp tử vong; 25 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu, có 1 trường hợp tử vong; hơn 6.700 trường hợp mắc sởi, có 3 trường hợp tử vong; hơn 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 50 trường hợp tử vong… So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc của hầu hết dịch bệnh truyền nhiễm đều có xu hướng giảm. Riêng dịch bệnh sốt xuất huyết có số mắc tăng gấp 3 lần và dịch bệnh tay chân miệng có số mắc tăng 0,5%.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, dù một số bệnh như ho gà, bạch hầu, sởi… có số mắc giảm, song vẫn xuất hiện các ổ dịch tản phát. Một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng…, tuy đã được khống chế, nhưng số mắc hiện vẫn ở mức cao.

Hơn nữa, theo quy luật hằng năm, thời điểm đông - xuân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời tiết lạnh, ẩm cùng với nhu cầu đi lại, buôn bán gia cầm tăng nhanh cũng kéo theo nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: Cúm mùa, cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, thủy đậu, viêm màng não do não mô cầu…

Hiện tại, thời tiết đang vào mùa đông, không thuận lợi cho muỗi phát triển, nên số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong những tuần gần đây. Nếu như trong tháng 10-2019, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận hơn 800 ca sốt xuất huyết/tuần, thì từ đầu tháng 11-2019 đến nay, còn 600-700 ca/tuần.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lưu ý, hiện số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận vào tất cả các tháng trong năm, cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 11. Đặc biệt, tại những nơi có công trình đang xây dựng, hay khu thuê trọ đông người, điều kiện vệ sinh môi trường kém, rất thuận lợi để muỗi sinh sản, phát triển và truyền bệnh. Vì vậy, người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống sốt xuất huyết nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung.

Cùng với sốt xuất huyết, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bệnh viện đang điều trị cho khoảng 20 ca bệnh sởi, ho gà, cúm có biến chứng nặng, trong đó có một số trẻ chưa được tiêm phòng. Những bệnh truyền nhiễm này có tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp, qua tiếp xúc.

Riêng với bệnh cúm, mức độ mắc bệnh ở mỗi người sẽ khác nhau. Ở người khỏe khi mắc cúm chỉ xuất hiện những triệu chứng đơn giản như hắt hơi, sổ mũi. Thế nhưng, với những người có sức đề kháng kém, khi mắc cúm sẽ bị các mức độ nặng hơn: Viêm mũi họng, viêm phổi, viêm cơ tim…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại, vào mùa đông - xuân, các vi rút cúm mùa như: Cúm A/H1N1, cúm B và cúm A/H3N1 được xem là bệnh thông thường, ai cũng có thể mắc, nhưng có một tỷ lệ nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên, gây suy hô hấp, thậm chí tử vong, nhất là khi người bệnh mắc các bệnh lý mạn tính khác kèm theo. Cùng với đó, dịch bệnh sởi cũng là mối lo ngại trong mùa đông - xuân, nhưng hiện tỷ lệ tiêm vắc xin sởi ở một số vùng chưa cao.

Sẵn sàng các biện pháp chống dịch

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng cho rằng, để chủ động ứng phó với dịch bệnh, ngành Y tế các địa phương cần tập trung vào hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng. Mặt khác, tăng số ngày tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, đồng thời triển khai các điểm tiêm chủng lưu động, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95%.

Trong công tác điều trị, các cơ sở y tế có trách nhiệm tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thực hiện phòng, chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh… Bộ Y tế tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

Còn tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, hệ thống y tế dự phòng của thành phố được tổ chức tập huấn giám sát, điều tra, xử lý các dịch bệnh mùa đông - xuân cho cán bộ y tế các tuyến.

Riêng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã kiện toàn 5 đội chống dịch cơ động và ở trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cũng có ít nhất 2 đội chống dịch cơ động, sẵn sàng phối hợp, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại địa phương.

Để nâng cao thể trạng, theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, mọi người cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Nên ăn thức ăn nóng, ấm, không cho trẻ ăn thức ăn lạnh để tránh mắc các bệnh đường hô hấp.

Ngoài ra, các gia đình tăng cường cho trẻ ăn các loại thực phẩm, trái cây giàu vitamin C và bổ sung nước thường xuyên. Đặc biệt, không cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp và chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng các bệnh đã có vắc xin như: Sởi, quai bị, rubella, cúm, não mô cầu, thủy đậu...

Nguồn báo Hà Nội mới

 


Các bài viết liên quan