Chủ động phòng Covid-19 đối với người cao tuổi
Chủ động phòng Covid-19 đối với người cao tuổi
Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, lây truyền từ người sang người. Bất cứ lứa tuổi nào đều có thể bị nhiễm Covid-19, nhưng đối với người cao tuổi, nhất là những người có bệnh nền có nguy cơ bị nặng hơn. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng. Nguy cơ “cơn bão cytokine”
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Khi nhiễm Covid-19 bệnh cũng nặng nề hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Cụ thể, qua kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ tử vong lên tới 19% ở bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên; 10,5% ở người có mắc bệnh tim mạch; 7,3% ở người mắc đái tháo đường; 6,3% ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); 6,0% ở người tăng huyết áp và 5,6% ở bệnh nhân ung thư.
Tại Việt Nam, tính đến chiều 23-8, có 19/27 trường hợp mắc Covid-19 tử vong là những người 60-90 tuổi trở lên (chiếm hơn 70%). Đa phần các trường hợp mắc Covid-19 tử vong đều trên nền các bệnh lý nặng: Suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp...
Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) - người tham gia hội chẩn, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng cho biết, dịch Covid-19 giai đoạn này đã “tấn công” vào các bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền nặng, khiến việc điều trị của các bác sĩ trở nên vô cùng khó khăn. Đối với những bệnh nhân này, việc nhiễm Covid-19 đã làm tổn thương tăng lên, suy đa phủ tạng nặng hơn, vì trước đó bản thân họ đã có những tổn thương. “Trong chuyên môn, chúng tôi gọi đó là tình trạng “cơn bão cytokine” - một phản ứng miễn dịch cấp tính gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể. Đây là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như vi rút gây bệnh và dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống. Do đó, tình trạng suy đa phủ tạng sẽ nặng hơn khi người bệnh dương tính với vi rút SARS-CoV-2”, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn cho biết thêm.
Trong số các bệnh lý nền mà bệnh nhân mắc phải, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nguy hiểm nhất là các bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo. Có những bệnh nhân đã chạy thận nhân tạo hơn 10 năm, dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch ở cơ thể gia tăng. Thêm vào đó, những biến chứng như: Suy tim, suy đa tạng, ảnh hưởng đến chức năng gan, chức năng hô hấp… càng khiến khả năng đáp ứng của cơ thể bị đè nén, không thể phản ứng lại được với sự xâm nhập của vi rút. Mặc dù được các bác sĩ hồi sức giỏi điều trị với những kỹ thuật tiên tiến, nhưng một số bệnh nhân vẫn tử vong.
Tăng cường hệ miễn dịch, phòng bệnh đúng cách
Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính. Cụ thể, trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh; trên 80 tuổi có 6,8 bệnh. Do đó, việc phòng, chống dịch Covid-19 cho người cao tuổi là vô cùng quan trọng.
Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, chuyên khoa hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho rằng, vi rút SARS-CoV-2 chủng mới đang lưu hành ở nước ta có nguy cơ lây lan cao và nhanh hơn nhiều so với các chủng cũ trước đó. Để phòng bệnh, người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu, tránh đến những nơi đông người và tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Để có một hệ miễn dịch hoạt động tốt, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Khoa Dinh dưỡng tiết chế (Bệnh viện Phổi trung ương) cho rằng, mỗi người cần phải bảo đảm cung cấp đủ năng lượng thông qua các bữa ăn hằng ngày, nhất là bữa sáng. Ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều đạm trong 3 bữa chính, người cao tuổi cần ăn thêm bữa phụ giữa giờ với các thực phẩm như: Sữa, sữa chua, hoa quả, ngũ cốc… Bên cạnh đó, bổ sung thêm các loại thực phẩm nhiều vitamin A, nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, vì nó đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp.
Cùng với việc bổ sung các chất dinh dưỡng, theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, sức khỏe tinh thần rất quan trọng. Thay vì hoang mang, lo lắng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, người cao tuổi hãy giữ vững tâm lý, bình tĩnh, tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế, áp dụng chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục. Khi có một tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh sẽ giúp người cao tuổi phòng, tránh dịch Covid-19 hiệu quả hơn.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
Nguồn báo Hà Nội mới