Chủ động phòng COVID-19 cho trẻ em bằng vaccine là cần thiết
Về lý do cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, TS.BS. Lê Kiến Ngãi - Trưởng Phòng khám, tư vấn tiêm chủng - Khoa dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi TW sẽ lý giải trong bài viết sau đây.
Trong đại dịch, tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 ở trẻ em đã gia tăng theo thời gian
Ở giai đoạn đầu của đại dịch Covid -19 (làn sóng thứ nhất) hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thông báo tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 ở mức thấp. Tại Mỹ, ngày 6/4, CDC Mỹ báo cáo có 2.572 (chiếm 1,7%) trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 trong số 149.082 ca nhiễm từ ngày 12 tháng 2 đến ngày 2 tháng 4 năm 2020.
Tại Hàn Quốc, tháng 3/2020 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc cho biết có 6,3% trong số các trường hợp mắc COVID-19 là trẻ em dưới 19 tuổi. Dữ liệu của Ý được công bố vào ngày 18/3 cho thấy chỉ có 1,2% là trẻ em trong tổng số 22.512 trường hợp mắc COVID-19; không có trường hợp tử vong nào.
Hệ thống giám sát Châu Âu thu thập dữ liệu từ các quốc gia Châu Âu và Vương quốc Anh về các ca nhiễm COVID-19 được xác nhận bởi phòng thí nghiệm. Trong số 576.024 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận bởi phòng thí nghiệm, 0.7% ca nhiễm từ 0-4 tuổi, 0,6% từ 5-9 tuổi, 0,9% từ 10-14 tuổi.
Tuy nhiên cho đến nay, ở giai đoạn làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19, câu chuyện đã khác. Cũng tại Mỹ, từ tháng 7/2021, số bệnh nhi mắc COVID-19 ở Mỹ đã tăng khoảng 240%, trong đó gần 30% ca nhiễm mới ghi nhận trong tuần đầu tháng 9/2021 ở nước này là trẻ em.
Ở Indonesia, theo thống kê tới ngày 28/7/2021 nước này có hơn 3,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ từ 0-5 tuổi là 2,9%; 6-18 tuổi là 9,9%. Tính từ đầu dịch đến nay, tổng số ca tử vong tại Indonesia là hơn 86000 ca, trong đó trẻ em dưới 18 tuổi là hơn 800 ca, chiếm tỷ lệ khoảng 1%.
Ở Việt Nam, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết trong tháng 7/2021 đã ghi nhận có khoảng 5% số ca mắc COVID-19 tại thành phố là trẻ từ 0-5 tuổi.
Việc xuất hiện các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới, như biến chủng Delta. Cùng với số ca mắc COVID-19 xuất hiện nhiều ở cộng đồng thời gian qua, đồng nghĩa với việc nguồn nhiễm gia tăng thì tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em tăng cao trong thời gian qua là điều có thể lý giải được.
Nguy cơ nhiễm và lây truyền COVID-19 ở trẻ em không khác biệt so với người lớn
Để đánh giá về nguy cơ lây truyền COVID-19 ở trẻ em, một nghiên cứu ở Mỹ thực hiện từ tháng 9/2020 đến tháng 4/2021 ở những hộ gia đình có ít nhất một F0 để xem xét mức độ lây COVID-19 cho các đối tượng khác nhau căn cứ vào tỷ lệ nhiễm bệnh thứ phát. Kết quả cho thấy, tỷ lệ mắc COVID-19 thứ phát ở các nhóm khác nhau lần lượt là: Trẻ <4 tuổi (6,3%), 5-11 tuổi (4,4%), 12-17 tuổi (6%) và người lớn trên 18 tuổi (5,1%). Kết quả này cho thấy nguy cơ mắc COVID-19 giữa trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn không có sự khác biệt, thậm chí trẻ nhỏ còn có nguy cơ cao nhất (6,3%).
Phân tích nguy cơ mắc COVID-19 thông qua phương thức lây truyền của virus SARS-CoV-2, bao gồm lây truyền qua giọt bắn, lây truyền qua tiếp xúc và lây truyền qua không khí không thấy có sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn.
Nguy cơ có thể xảy ra các đường lây truyền SARS-CoV-2 ở trẻ em không những không thấp hơn ở người lớn mà còn có những đặc điểm cho thấy trẻ em dễ mắc COVID-19 , như trẻ em có nhiều tiếp xúc gần với người lớn và tiếp xúc gần với nhau (được người lớn gần gũi chăm sóc; trẻ em ăn, chơi, học cùng nhau…); trẻ em có nhiều tiếp xúc gần với các bề mặt ở cả trong hộ gia đình, trong trường lớp và những nơi sinh hoạt chung; trẻ nhỏ hiếu động không dễ cho việc mang các phương tiện phòng hộ, như khẩu trang, tấm chắn giọt bắn…
Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trẻ em hoàn toàn có thể có hội chứng "COVID kéo dài" hay còn gọi là hội chứng "hậu COVID". Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển và tương lai của trẻ, mà trước mắt gây khó khăn cho việc phân biệt với tình trạng táí phát hoặc tái nhiễm bệnh, dẫn đến khó kiểm soát lây truyền.
Mặc dù nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trẻ em mắc COVID-19 thường diễn biến nhẹ và có biểu hiện giống như các nhiễm trùng hô hấp thông thường. Tuy nhiên đặc điểm này xét ở khía cạnh nguồn nhiễm lại cho thấy nếu trẻ em mắc COVID-19 lại dễ làm phát tán tác nhân virus ra bên ngoài, tức là có thể lây virus sang cho người khác.
Cần thiết phải chủ động phòng COVID-19 cho trẻ em bằng vaccine
Để phòng ngừa COVID-19 cho trẻ em, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa không đặc hiệu đã trở thành thường quy hiện nay là thông điệp "5K" thì việc phòng ngừa chủ động bằng vaccine là biện pháp rất cần thiết.
Vaccine Comirnary của hãng Pfizer-BioNTech được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt sử dụng từ 31/12/2020. Ngay từ khi được đưa vào sử dụng vaccine Comirnary đã được đề xuất sử dụng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên với liều như người lớn (liều 0,3ml chứa 30mcg vaccine ). Tại Việt Nam vaccine được phê duyệt sử dụng từ tháng 6/2021 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đầu tháng 10/2021, Pfizer-BioNTech đã công bố kết quả thử nghiệm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi với hiệu quả phòng bệnh cao và tính an toàn cao. Hãng đã nộp hồ sơ xin phê duyệt. Pfizer- BioNTech đang tiếp tục thử nghiệm vaccine cho các nhóm trẻ 6 tháng - 2 tuổi và 2-5 tuổi.
Vaccine Moderna của hãng Moderna (Mỹ) đã được chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 12-17 tuổi (trước đó đã được phê duyệt sử dụng cho người từ 18 tuổi trở lên từ tháng 12/2020). Vaccine được đánh giá là có hiệu quả và tác dụng phụ tương tự như đã gặp ở người lớn. Moderna đang tiếp tục thử nghiệm vaccine ở nhóm trẻ từ 6 tháng-12 tuổi.
Hãng Sinopharm (Trung Quốc) đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn đầu vaccine Verocell của hãng cho nhóm trẻ từ 3-17 tuổi với thông báo kết quả thử nghiệm rất nhiều triển vọng.
Các nhãn hàng vaccine khác như AstraZenneca, Novavax, Sputnik… cũng đang hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em và sẽ công bố khi có kết quả.
Đánh giá về tác dụng không mong muốn sau tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, các nhà chuyên môn cho biết không có sự khác biệt so với người lớn. Các phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em phổ biến là sưng, đau chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, sốt, có thể buồn nôn, và sẽ tự hết sau vài ngày. Cũng đã có một số báo cáo về viêm cơ tim sau tiêm vaccine nhóm mRNA nhưng tỷ lệ rất thấp. Trẻ em cần phải được theo dõi đúng các quy trình sau tiêm chủng.
Nguồn báo Sức khỏe & Đời sống