Chủ động ngừa sốt xuất huyết, không để thành dịch

Hiện nay, thời tiết đang nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển và truyền bệnh.

Một số địa phương có nhiều ca mắc cao và đã có người tử vong do SXH. Để chủ động phòng bệnh, các địa phương đang tích cực vào cuộc để không xảy ra dịch chồng dịch.

Không thể chủ quan

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc SXH tại 58 tỉnh, thành phố. Tính riêng tại Hà Nội có 155 ca mắc SXH tại 105 xã, phường của 24 quận, huyện.

Từ đầu tháng 5/2020, Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch phòng chống SXH trên địa bàn nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do SXH, khống chế kịp thời không để dịch lớn xảy ra. Lãnh đạo TP. Hà Nội yêu cầu tiếp tục củng cố, bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của bệnh dịch, không để dịch lan rộng. Đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho công tác xử lý ổ dịch.

Người dân cần đồng hành với ngành y tế

Tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, theo báo cáo, số bệnh nhân mắc SXH tăng nhanh trong những ngày gần đây, tính đến hiện tại đã ghi nhận 81 ca mắc, đây là khu vực có số ca mắc SXH cao nhất của thành phố với quy mô cấp xã. Huyện Phúc Thọ cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như tăng cường công tác điều tra, bao vây khoanh vùng xử lý ổ dịch, giám sát véc-tơ, giám sát bệnh nhân tại cộng đồng; Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, TYT tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy thu gom phế liệu, phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng tại hộ gia đình.

Qua kiểm tra tại một số hộ gia đình trên địa bàn xã, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, các dụng cụ chứa nước vẫn còn các ổ bọ gậy, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát SXH là rất cao. Chính vì vậy, cần rà soát lại địa bàn dân cư, thống kê cụ thể, đặc biệt là khu vực công cộng như đình, chùa... để quản lý tốt việc phòng chống dịch. Cần có bộ phận thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ chức giao ban với các tổ xung kích mỗi ngày 1 lần để kịp thời nắm bắt và có biện pháp xử lý. Công tác giám sát véc-tơ truyền bệnh, giám sát bệnh nhân cần được triển khai một cách quyết liệt hơn nữa nhằm khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả.

Để bệnh SXH không lan rộng, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nhằm sớm khoanh vùng, khống chế, xử lý các ổ dịch kịp thời, không để bùng phát tại cộng đồng. Cần huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, sự đồng thuận của người dân thì công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, công tác phòng chống SXH nói riêng mới đạt hiệu quả cao. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy để phòng dịch bệnh.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cách phòng ngừa SXH

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy. Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Phòng chống muỗi đốt: Mặc quần áo dài tay. Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi... Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi. Cho người bị SXH nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. 

Nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

 


Các bài viết liên quan