Chính sách phòng, chống dịch phải thống nhất trên toàn quốc
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, chính sách phòng, chống dịch phải thống nhất toàn quốc, cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cấp dưới không được ban hành quy định trái với quy định của cấp trên. Nếu địa phương thực hiện quy định ở mức độ cao hơn, sớm hơn thì phải báo cáo với cấp trên.
Dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát
Sáng 17/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố. Tại cuộc họp này, Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo các địa phương thảo luận, rà soát những vướng mắc sau một tuần thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 5 tháng kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, lây lan, đến nay dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở Nghị quyết 128, Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc chung là chính sách phải thống nhất toàn quốc, cấp dưới phải phục tùng cấp trên; cấp dưới không được ban hành quy định trái với quy định của cấp trên; nếu địa phương thực hiện quy định ở mức độ cao hơn, sớm hơn thì phải báo cáo với cấp trên.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, đợt dịch thứ 4 kéo dài hơn 5 tháng, đến nay cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.
Nhìn lại công tác phòng, chống dịch trong thời gian đầu của đợt dịch thứ 4, Ban Chỉ đạo thẳng thắn nhìn nhận, công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Việc triển khai một số quyết sách như giãn cách xã hội, xét nghiệm phát hiện người nhiễm còn chậm, chưa nghiêm, tỷ lệ xét nghiệm thấp so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành. Một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi, có phần dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhưng khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, khi ban hành văn bản có phạm vi ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng, một số nơi chưa làm tốt việc đánh giá tác động, công tác truyền thông nên khó thực hiện; một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây bức xúc trong xã hội như quy định về giấy đi đường, lưu thông hàng hóa, hàng hóa thiết yếu...
Không ban hành biện pháp trái với quy định của Trung ương
Về ứng dụng công nghệ thông tin, Ban Chỉ đạo thẳng thắn đánh giá là chưa khoa học, vẫn còn tình trạng manh mún, cục bộ, thiếu thống nhất, đồng bộ; trình độ công nghệ thông tin khác nhau giữa các địa phương và các lực lượng phòng, chống dịch. Việc người dân di chuyển về quê chưa có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng gây ảnh hưởng an toàn phòng, chống dịch và an ninh trật tự.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo lưu ý các địa phương chủ động xây dựng và tổ chức lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 trên cơ sở độ bao phủ vắc xin, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế và diễn biến dịch bệnh tại từng địa phương. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu vắc xin và thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước để từng bước chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu năm 2022 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, xã hội hóa công tác an sinh xã hội. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, sang chấn tâm lý của người dân; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch; khắc phục các bất cập trong việc tổ chức học trực tuyến. Cùng với đó tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo lưu ý các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh; không ban hành các biện pháp trái với quy định của Trung ương, nhất là trong hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa (Tiền phong, trang 2; An ninh thủ đô, trang 3; Nhân dân, trang 1).
Nguồn báo Nhân dân