“Chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống COVID-19

Nhiều đoàn công tác đặc biệt đã được Bộ Y tế cử đến Đà Nẵng để cùng đội ngũ nhân viên y tế địa phương dập dịch COVID-19 vừa bùng phát. Đã có 9 y bác sĩ tại Đà Nẵng mắc COVID-19 trong những ngày qua. “Các cơ sở y tế phải thực hiện giãn cách tại các khu vực tập trung đông người trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...”. Đó là biện pháp được đưa ra nhằm bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế đang trên tuyến đầu chống dịch.

Cường độ làm việc dày đặc, áp lực lớn

Trong suốt những ngày qua, các cán bộ, nhân viên Y tế thuộc CDC Đà Nẵng với sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Nha Trang mỗi ngày thực hiện xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm để tìm ra trường hợp dương tính với COVID-19.

Phó đội trưởng Đội xét nghiệm, PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Phó Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) được điều động vào Đà Nẵng cho biết mẫu xét nghiệm tăng đột biến từng ngày. PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nói: “Chưa bao giờ thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm như thế, cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải bởi lượng mẫu quá nhiều”.

“Có nhiều bạn làm việc đến 12h đêm mới tạm thời kết thúc công việc trong ngày, nhưng sáng sớm hôm sau vẫn có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Giờ nghỉ trưa hiếm hoi, các bạn tranh thủ ngồi mỗi người một góc, cầm trên tay hộp cơm tranh thủ ăn lấy sức” - PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nghẹn ngào chia sẻ.

Trong khi đó, tại một “mặt trận” khác, một nữ nhân viên Y tế đang công tác tại Trạm Y tế phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu - TP.Đà Nẵng) bị ngất xỉu, phải thở ôxy do làm việc quá sức cả tuần trời. Đó là chị Đặng Thị Thu Hà, 48 tuổi, đã có thâm niên công tác tại Trạm Y tế Hòa Minh gần 20 năm.

Là nhân viên của Trạm Y tế, trên địa bàn lại có đến 3 bệnh nhân mắc COVID-19 nên khối lượng công việc quá nhiều, do làm việc quá sức nên chị Hà đã bị ngất xỉu. Thông tin từ Bộ Y tế cho biết hiện tại sức khỏe chị Hà đã ổn định hơn, chị xin nghỉ phép ít ngày và sau đó sẽ tiếp tục cuộc chiến đẩy lùi COVID-19.

Không chỉ làm việc mới cường độ công việc dày đặc, vô cùng vất vả, nhân viên y tế phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Đã có 8 nhân viên y tế mắc COVID-19. Nỗi lo ngại về sức khỏe, sự an toàn cho các nhân viên y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch lại càng dâng lên mạnh mẽ, khi mà dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp...

Bảo vệ y bác sĩ ở mức độ cao nhất

Bộ Y tế rất lo ngại tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở y tế.  GS-TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - đã yêu cầu tăng cường quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Theo GS Long, trong thời gian qua, các địa phương đã tích cực phòng chống dịch COVID-19. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng tình hình bệnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp; đã có trường hợp lây nhiễm từ người bệnh sang người bệnh, nhân viên y tế, người nhà, người chăm sóc người bệnh. Bệnh dịch COVID-19 càng trở nên nguy hiểm khi lây sang những người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh kèm theo, đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo...

Để hạn chế tối đa các hậu quả của dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, Bộ Y tế đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế, khẩn trương thực hiện triệt để Công điện số 1158/CĐ-BCĐQG ngày 27.7.2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh đã ban hành. Đồng thời, rà soát, chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở y tế theo các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho rằng các biện pháp dự phòng này bắt buộc các cơ sở y tế phải triển khai nghiêm túc, các cơ sở cùng vào cuộc để luôn luôn cảnh giác, giúp người bệnh đến cơ sở y tế an toàn, đảm bảo an toàn cho các thầy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh. Trước mắt và về lâu dài, chúng ta phải bảo vệ được nguồn lực, bảo vệ thầy thuốc để họ luôn trong tư thế khỏe mạnh, hùng hậu, vững tâm và đủ điều kiện chiến đấu chống lại dịch bệnh… 

Cùng chủ đề Báo  Tiền phong, trang 4: “Bác sĩ ‘2 ba lô’ lao vào tâm dịch”.

Nguồn báo Lao động

 


Các bài viết liên quan