Chỉ 3,3% người mắc sởi đã được tiêm chủng

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa cho hay khảo sát trên 3.400 người mắc sởi ghi nhận được đến hết tuần thứ 18 năm 2019, chỉ có 3,3% đã được tiêm vắc xin sởi, số còn lại chưa tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. 
Chỉ 3,3% đã tiêm chủng 
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong số trên 21.000 ca sốt phát ban nghi sởi và trên 3400 ca trong đó dương tính với bệnh sởi, phân bố về số tuổi và tình trạng tiêm chủng như sau: 
- ≤9 tháng có 3.735 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi (chiếm 17,6%), trong đó có 730 trường hợp dương tính 
- 9-12 tháng có 2.096 trường hợp (chiếm 9,9%), trong đó có 330 trường hợp dương tính; 
- 1-4 tuổi có 6.775 trường hợp (chiếm 31,9%), trong đó có 815 trường hợp dương tính;  
- 5-9 tuổi có 3.951 trường hợp (chiếm 18,6%), trong đó có 444 trường hợp dương tính;  
- 10-14 tuổi có 553 trường hợp (chiếm 2,6 %), trong đó có 53 trường hợp dương tính,  
- >14 tuổi có 4.160 trường hợp (chiếm 19,6%), trong đó có 818 trường hợp dương tính.  
Về tình trạng tiêm chủng (phân tích 21.270 trường hợp),  Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đánh giá: 
- Đã được tiêm chủng: 694 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (3,3%). 
- Không được tiêm chủng: 11.478 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (54%). 
- Không rõ tiền sử tiêm chủng: 9.098 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (42,8%) 
Điểm đáng chú ý của mùa dịch năm nay là dù thời tiết đã sang hè, không phải mùa chính của dịch sởi (thông thường dịch sởi hay xuất hiện mạnh vào mùa đông xuân), nhưng năm nay số mắc sởi chưa giảm trong những tuần gần đây. Bộ Y tế dự báo năm 2019 là năm chu kỳ của dịch, nên số mắc vẫn còn có thể tiếp tục tăng. 

Đối phó với dịch sởi như thế nào? 
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Hà Nội đã chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho 600.000 trẻ 1-4 tuổi từ đầu 2018 và đã triển khai tiêm chủng cho các cháu từ tháng 12-2018. Nhờ chiến dịch này, ông Cảm cho biết số mắc sởi trong nhóm 1-4 tuổi ở Hà Nội là thấp trong số mắc sởi nói chung.  
“Năm 2019 là năm dịch theo chu kỳ, dự báo số mắc sẽ cao, vì vậy chúng tôi đã chuẩn bị tiêm vắc xin sởi để phòng bệnh từ sớm. Đây cũng là một trong những biện pháp giúp số mắc sởi ở Hà Nội không tăng quá cao, vẫn dưới mức bình quân 5 năm 2014-2018, mặc dù số mắc sởi ở các nước xung quanh tăng cao, như Philipines số mắc sởi tăng rất cao và đã có khoảng 200 ca tử vong do sởi”- ông Cảm phân tích. 
Ông Cảm cũng cho rằng hiện Mỹ và Châu Âu cũng có nhiều ca mắc sởi, trong khi các nước này đều đã công bố loại trừ bệnh sởi, còn ở VN thì bệnh sởi vẫn là bệnh lưu hành. Vì vậy cần có thêm những biện pháp phòng chống hiệu quả, như Hà Nội có thể sẽ có thêm chiến dịch tiêm chủng cho các lứa tuổi từ 5 tuổi trở lên. 
Cục Y tế dự phòng cũng cho biết đã chỉ đạo tổ chức phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, tập trung các nguồn lực phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhân, không để tình trạng chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi và các bệnh đường hô hấp. Thiết lập khu vực riêng khám, điều trị bệnh sởi, phân luồng khám chữa bệnh; thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, khử khuẩn buồng bệnh và thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc người bệnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện. 
Một trong số các biện pháp hữu hiệu nữa là tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ 9 tháng và vắc xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi, đảm bảo đúng lịch, đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 95% quy mô xã, phường. Đồng thời xác định đối tượng, độ tuổi, vùng nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sởi để tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt lưu ý các địa bàn có di biến động dân cư cao, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Với các biện pháp này, dịch sởi có thể sẽ “ổn” trong năm chu kỳ dịch 2019 ở Việt Nam. 

 


Các bài viết liên quan