Cần rõ lộ trình tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em

Đến ngày 17.10, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết UBND TP vẫn chưa thể “gút” thời gian chính thức tiêm vắc xin cho trẻ em và loại vắc xin gì sẽ tiêm, vì chưa có vắc xin từ Bộ Y tế.

Các tỉnh, thành cần mở rộng đối tượng tiêm từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương; đồng thời cần triển khai ngay tiêm cho trẻ em nếu đủ điều kiện.

Đó là chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 8688/BYT-DP vừa gửi các sở y tế và các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi.

Lý giải về việc tiêm cho lứa tuổi lớn trước (tiêm trước cho lứa 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi), một lãnh đạo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vì so với nhóm dưới 18 tuổi, lứa tuổi lớn hơn có nguy cơ cao hơn, cũng tương tự như cần ưu tiên cho nhóm người cao tuổi khi tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên. “Tuy nhiên, rồi dần dần sẽ tiêm hết cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, chỉ là một số sẽ tiêm trước”, vị lãnh đạo này giải thích.

Liên quan đến việc sử dụng vắc xin nào để tiêm cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, theo Cục Y tế dự phòng, vắc xin tiêm cho trẻ em cũng là loại vắc xin tiêm cho người lớn (hiện có 8 loại đã được Bộ Y tế cấp phép), trong đó nhà sản xuất đã có nghiên cứu và hướng dẫn tiêm cho trẻ em; trong nước cũng đã có vắc xin này.

Giải thích thêm về vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em, một chuyên gia về tiêm chủng cho biết: Tại Việt Nam, vắc xin Pfizer và Moderna đã có hướng dẫn tiêm cho người từ 12 tuổi, cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng. Tuy nhiên, vừa qua trong nước chưa sử dụng 2 vắc xin này cho trẻ em do nguồn vắc xin hạn chế, và trẻ em nếu mắc Covid-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn mắc bệnh. Hiện vẫn chờ thêm hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế về vắc xin được tiêm cho trẻ em.

Đến tối qua 17.10, Bộ Y tế chưa công bố thông tin về việc sử dụng cụ thể vắc xin Covid-19 nào để tiêm cho trẻ em. Về vấn đề này, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia bệnh truyền nhiễm), có 2 công nghệ vắc xin tiên tiến và an toàn cho trẻ em.

Thứ nhất là công nghệ vắc xin liên hợp. Gọi là liên hợp (Conjugate vắc xin) vì là kết hợp thêm một protein nào đó để bộ nhớ của hệ thống miễn dịch ghi nhớ và tạo miễn dịch bền vững. Đã có nhiều vắc xin dùng công nghệ này như HIB (ngừa viêm phổi, viêm màng não), vắc xin phế cầu, vắc xin não mô cầu.

Thứ hai là vắc xin công nghệ tái tổ hợp - tái tổ hợp tiểu đơn vị (Recombinant vắc xin), ở Việt Nam mà dùng nhiều nhất là vắc xin viêm gan B tái tổ hợp và vắc xin cúm. Sau này lại thêm tái tổ hợp tiểu đơn vị cộng công nghệ nano.

Các gia đình cần ký cam kết?

Về công tác triển khai tiêm chủng cho trẻ em, thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho biết, BYT đã giao Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực hướng dẫn cụ thể với từng vắc xin, xây dựng tài liệu, lập kế hoạch tập huấn cũng như hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương theo địa bàn phụ trách, trong việc tổ chức triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng phía bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, chia sẻ: “Trong các loại vắc xin Covid-19 đang được tiêm, vắc xin Pfizer hiện đã được thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 - 18 tuổi. Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi. Về liều tiêm vắc xin Pfizer, theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cũng tương đương liều tiêm cho người lớn”.

Về theo dõi phản ứng sau tiêm, bác sĩ Thái cho hay, trẻ em cần được theo dõi cẩn trọng giống như tiêm các loại vắc xin khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, bao gồm: các nguy cơ dị ứng, phản ứng nặng, các tình huống phản ứng cần được đến ngay cơ sở y tế.

“Mới đây đã có báo cáo nghiên cứu ghi nhận những trường hợp viêm cơ tim sau tiêm cho trẻ em dù rất hiếm gặp. Trẻ em rất hiếu động, có thể không để ý dấu hiệu sức khỏe sau tiêm như người lớn. Do đó, đây cũng là phản ứng cần được theo dõi, nhận biết sớm sau tiêm”, bác sĩ Thái lưu ý.

Theo Cục Y tế dự phòng, cần yêu cầu cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm). Các gia đình cần biết tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tuy nhiên vắc xin phòng Covid-19 có thể không phòng được bệnh hoàn toàn. Người được tiêm chủng vắc xin Covid-19 đủ liều có thể phòng được bệnh hoặc giảm mức độ nặng nếu mắc Covid-19. Tiêm chủng vắc xin Covid-19 cũng có thể gây ra một số biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân như sưng, đau chỗ tiêm, nhức đầu, buồn nôn, sốt, đau cơ…, hoặc tai biến nặng sau tiêm chủng.

TP.HCM chưa “gút” thời gian tiêm

Tại TP.HCM, sau cuộc họp với Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH mới đây, Sở Y tế vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Trong tờ trình, lãnh đạo Sở Y tế cũng cho biết, do Bộ Y tế đang chuẩn bị tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc tổ chức tiêm cho trẻ em nên có một số vấn đề chưa được xác định rõ, như số lượng trẻ được tiêm/bàn tiêm/ngày để làm căn cứ tổ chức.

Thời gian bắt đầu triển khai phải chờ sau khi được Bộ Y tế tập huấn chuyên môn. Tuy nhiên, Sở Y tế TP đề xuất thời gian bắt đầu từ ngày 22.10. Sở cũng dự kiến tiêm mũi 1 trong vòng 5 ngày, và sau khi đủ thời gian tiêm mũi 1 theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thì thực hiện tiêm mũi 2 cũng trong thời gian tương tự.

Đến ngày 17.10, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, UBND TP vẫn chưa thể “gút” thời gian chính thức tiêm vắc xin cho học sinh và loại vắc xin gì sẽ tiêm, vì chưa có vắc xin từ Bộ Y tế.

Nếu triển khai tiêm, TP.HCM sẽ tiêm tại 3 điểm: điểm tiêm cố định, điểm tiêm lưu động và tại trường học. Theo lãnh đạo Sở Y tế, với nhóm học sinh thì tiêm tại trường học rất thuận lợi và an toàn, vì tiêm theo lớp, cô giáo chủ nhiệm tạo nhóm Zalo, Viber… với phụ huynh học sinh, chỉ cần cô giáo nhắn thời gian phụ huynh đưa con đến trường tiêm và đưa về. Học sinh vẫn phải khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế.

Theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, số trẻ dưới 18 tuổi nhiễm Covid-19 tại TP.HCM là 12.560 ca, chiếm tỷ lệ khoảng 5,1%.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, hiện nay với người lớn thì rõ ràng vắc xin có hiệu quả đối với việc giảm tỷ lệ nguy cơ chuyển nặng; nhưng khi tiêm cho trẻ em chúng ta vẫn cần phải thận trọng, và cần tính toán kỹ hơn để đảm bảo công bằng vắc xin.

Bác sĩ Nam cho rằng thực tế qua đợt dịch lớn ở TP.HCM có thể thấy tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 diễn tiến nặng và tử vong rất thấp so với người lớn. Trong khi đó, số lượng vắc xin ở Việt Nam hiện nay vẫn còn phụ thuộc vào các nguồn từ bên ngoài, nhất là độ bao phủ vắc xin cho người lớn, các nhóm đối tượng nguy cơ cao vẫn chưa nhiều. Do vậy, vẫn phải cân nhắc, xem lại việc ưu tiên vắc xin cho những đối tượng có nguy cơ cao trước.

Bác sĩ Nam thông tin, ở Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM trong đợt dịch vừa rồi đã tiếp nhận hơn 1.000 ca mắc là trẻ em. Trong đó có 4 ca tử vong, và những ca này đều có bệnh nền như béo phì, sinh non thiếu tháng… Còn lại, hầu hết trẻ em khi mắc Covid-19 không chuyển nặng, thời gian khỏi bệnh cũng nhanh. So với người lớn thì tỷ lệ này rất thấp, trong khi số người lớn, người già và bệnh nhân có bệnh nền tử vong vì Covid-19 rất cao.

Về việc có nên tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em tại TP.HCM thời điểm này, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hiện TP.HCM đã tiêm vắc xin cho người lớn 2 mũi đã gần đủ, thì cũng nên dành vắc xin cho người lớn có nguy cơ cao ở các tỉnh khác. Khi nào người lớn trên cả nước tiêm đủ thì hãy tiêm cho trẻ em. Vì dự kiến cuối năm nay vắc xin sẽ về nhiều, thì lúc đó hãy tiêm cho trẻ em.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Đại học Y Dược TP.HCM), cho rằng nếu TP.HCM tiêm thì nên tiêm cho trẻ mắc bệnh nền trước và để dành vắc xin cho các tỉnh để tiêm cho người lớn, người có nguy cơ cao. “Thật sự để an toàn thì trẻ em không cần tiêm vẫn an toàn, nếu người trưởng thành tiêm đủ, và mọi người thực hiện 5K thì nguy cơ trẻ mắc bệnh là rất thấp. Tiêm cho người lớn chính là giúp bảo vệ cho trẻ em”, ông Dũng nói.

Nguồn báo Thanh niên

 


Các bài viết liên quan