Cần chủ động hơn trong phòng chống sốt xuất huyết

Tiếp tục chuyến công tác ở khu vực miền Trung, ngày 1/7, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương-Thứ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa.

Vừa phòng chống sốt xuất huyết vừa đảm bảo tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầy đủ

Vấn đề nòng cốt trong buổi làm việc là tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo của nhiều Cục/Vụ/Viện của Bộ Y tế như: Cục Y tế dự phòng; Cục Quản lý Khám chữa bệnh; Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang…

Trực tiếp đi kiểm tra thực tế, nắm bắt sâu sát công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và phòng sốt xuất huyết ở tuyến cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã động viên người dân tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, không nên chủ quan với dịch bệnh. 

Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý với chính quyền và hệ thống y tế cơ sở cần phải có các hình thức truyền thông linh hoạt, phù hợp để người dân hiểu rõ tác dụng của vaccine phòng COVID-19.

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, ông Nguyễn Đình Thoan, Phó GĐ Sở Y tế Khánh Hòa cho biết: Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn đang được đầy mạnh tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Đến 23 giờ ngày 30/6, đối với trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, tỉnh đã tiêm mũi 1 cho 31.727 em (đạt 22,5%); tiêm mũi 2 cho 11.834 em (đạt 8,13%). Đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, đã tiêm mũi 1 cho 121.165 em (đạt 106,42%); đã tiêm mũi 2 cho 117.062 em (đạt 102,81%); đã tiêm mũi 3 cho 20.730 em (đạt 18,2%).

Đối với mũi bổ sung đã tiêm cho 383.688 người (đạt 40,26%). Đã tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho 459.713 người (đạt 48,24%). Đã tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho 92.199 người (đạt 9,68%).

Lý giải về những khó khăn trong công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa cho rằng: Toàn tỉnh Khánh Hòa có 139.993 trẻ độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Mặc dù tỉnh Khánh Hòa đã tích cực tuyên truyền về lợi ích tiêm chủng, tính hiệu quả, an toàn… tuy nhiên chỉ có 85.019 (60,7%) trẻ em được phụ huynh đồng ý tham gia tiêm chủng. Trong số này vẫn còn nhiều phụ huynh do dự không muốn cho trẻ đi tiêm.

Bên cạnh tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Khánh Hòa đã được kiểm soát tốt dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân và không tích cực tham gia tiêm chủng. Những thông tin không chính thống trên mạng xã hội về tác dụng phụ của vaccine phòng COVID-19 gây khó khăn trong công tác vận động người dân đi tiêm mũi 3, mũi 4.

Tình hình dịch COVID-19 ổn định, nhiều địa phương của Khánh Hòa có sự di biến động dân cư, người dân đi học tập, làm việc tại các tỉnh khác… không có mặt ở địa phương để tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Giải pháp được tỉnh Khánh Hòa đưa ra trong thời gian tới là tập trung cao cho việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Tiếp tục tiêm mũi nhắc lại (tiêm mũi 3, mũi 4) cho người từ 18 tuổi trở lên. Phối hợp với đài truyền thanh các địa phương thông báo thời gian tiêm, điểm tiêm theo tinh thần "Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, trách nhiệm đối với cộng đồng". Tiếp tục phối hợp giữa ngành y tế với ngành giáo dục, chính quyền các địa phương tuyên truyền cho người dân đi tiêm.

Cần chủ động hơn trong phòng, chống sốt xuất huyết

Là địa bàn tăng mạnh các ca mắc sốt xuất huyết trong những tuần gần đây nên Khánh Hòa đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để ứng phó dịch.

Ông Nguyễn Đình Thoan, Phó GĐ Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, đến hết ngày 29/6 toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 811 ca mắc. Không có ca tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng từ cuối tháng 4/2022.

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa từ đầu năm đến tháng 6, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho 194 bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết, trong đó có 11 bệnh nhân nặng. Tính đến ngày 19/6, bệnh viện vẫn đang còn thu dung, điều trị cho 13 ca, trong đó có 3 ca nặng. Hiện tại không có ca bệnh tử vong trên địa bàn.

Tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa trong 6 tháng đầu năm cũng tiếp nhận 68 ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện, điều trị. Trong đó có 7 ca nặng, chưa ghi nhận ca tử vong nào tại bệnh viện.

Để ứng phó với sốt xuất huyết thì hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, dịch truyền tại các cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện khám, điều trị theo đúng quy định về phân tuyến điều trị của Sở Y tế và theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã giám sát hoạt động, xử lý dịch tại 8/8 huyện/thị xã/thành phố, hỗ trợ phun hóa chất cho các địa phương có ca mắc cao, diễn biến phức tạp…

Trong những tháng tới, Khánh Hòa sẽ tiếp tục lập danh sách cụ thể các thôn/tổ dân phố có nguy cơ, cần diệt loăng quăng, bọ gậy định kỳ 1 tuần/lần, 2 tuần/lần…tại các hộ gia đình. Lên kế hoạch huy động học sinh khối trung học cơ sở tham gia diệt loăng quăng, bọ gậy.

Để giúp địa phương làm tốt hơn công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lẫn phòng, chống sốt xuất huyết, lãnh đạo Vụ Truyền thông-Thi đua-Khen thưởng (Bộ Y tế) cũng đã đưa ra nhiều gợi mở. Trong đó nhấn mạnh, Sở Thông tin và truyền thông địa phương cần tích cực, mạnh mẽ phối hợp với ngành y tế để truyền thông cho hiệu quả với từng nhóm người/khu vực cụ thể… Phía trung ương, Bộ Y tế cũng đã có đầy đủ các thông điệp, các hình thức truyền thông hiệu quả, địa phương có thể linh hoạt áp dụng phù hợp với địa bàn của mình.

Chia sẻ với đoàn công tác Bộ Y tế, ông Đinh Văn Thiệu-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đối với công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Khánh Hòa bằng nhiều biện pháp đã nỗ lực truyền thông cho người dân hiểu về việc tiêm chủng. Đối với phòng, chống sốt xuất huyết, tỉnh đã vận dụng chi ngân sách cho công tác phun hóa chất. Hiện nay trên địa bàn tỉnh công tác phòng, chống dịch được triển khai từ cấp thôn/tổ dân phố. Các đoàn thể đã thành lập các tổ để đi vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch.

Từ kiểm tra, nắm bắt thực tế và các ý kiến của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; ngành y tế địa phương; các chuyên gia… Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã đưa ra một số kết luận sâu sát tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa.

Về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, ghi nhận, đánh giá cao tỷ lệ tiêm cho người lớn ở Khánh Hòà, đồng thời lưu ý địa phương tăng cường truyền thông về lợi ích của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các trường học, tuyên truyền, phát động cho giáo viên tiêm đủ mũi 3, mũi 4. Ngành Giáo dục & Đào tạo phải phải tiên phong bởi khi  giáo viên tiêm đủ sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình giảng dạy. Từ đó nhà trường cần tuyên truyền cho học sinh lợi ích của việc tiêm chủng đồng thời hướng dẫn cho giáo viên, vận động phụ huynh đưa con em đi tiêm để phòng bệnh.

Bộ Y tế đã ban hành nhiều hướng dẫn  cho các tỉnh, thành ở các địa phương về công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 nhằm đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng.

Thủ tưởng Chính phủ đã có chỉ đạo đến hết 30/8 tất cả các tỉnh phải hoàn thành tiêm cho trẻ em trong độ tuổi quy định. Vậy nên Khánh Hòa cần triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiêm, trong trường hợp tiêm không đạt cần lý giải rõ nguyên nhân.

Đối với dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương. Địa phương cũng nên chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch được hiệu quả.

Địa phương nên đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch xuống tận các xã/phường. Khi đi thực tế, người dân địa phương phản ánh khi xuất hiện nhiều người mắc bệnh sốt xuất huyết ở "điểm nóng" Ninh Hòa thì địa phương mới tiến hành phun hóa chất. Ở những điểm nguy cơ nên chủ động phun trước.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương kiểm tra "điểm nóng" sốt xuất huyết

Trước khi bước vào buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, trong khuôn khổ chương trình công tác tại địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng đã làm việc với Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và phòng, chống sốt xuất huyết. 

Đặc biệt, Thứ trưởng đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại địa bàn. Thị xã Ninh Hòa được xem làm "điểm nóng" về sốt xuất huyết của Khánh Hòa. Trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận 315 ca. Trong đó, riêng tháng 6 có 221 ca. 

Đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đã trực tiếp đi thăm hỏi một số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị. Thứ trưởng động viên các bệnh nhân cố gắng điều trị, nhanh chóng khỏi bệnh. Khi xuất viện thì tuyên truyền thêm cho người thân, cộng đồng thực hiện đầy đủ hơn công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Thứ trưởng cũng động viên các thầy thuốc dốc sức, tận tâm điều trị cho bệnh nhân. 

Đến tận nhà người dân ở xã Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa), Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã kiểm tra thực tế môi trường quanh nhà người dân, kêu gọi cần xử lý ngay các vật dụng dễ phát sinh muỗi gây bệnh như: Lốp xe, nước bẩn trong chai, lọ, chum… 

Nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

 


Các bài viết liên quan