Cách phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết diễn biến thất thường

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày gần đây, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 lượt thăm khám liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp. Riêng tại Trung tâm Hô hấp của bệnh viện cũng tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi nhập viện/ngày do mắc các bệnh đường hô hấp như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện nhi Trung ương cho biết, thời tiết thay đổi ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, khiến cơ thể không kịp thích nghi, dẫn tới sự giãn nở không đều của phế quản....

“Nhiễm trùng đường hô hấp cấp là do virus, vi khuẩn gây ra. Bệnh có thể mắc quanh năm, nhưng vào giai đoạn giao mùa tỷ lệ mắc tăng cao hơn so với giai đoạn thời tiết khác” - TS Hanh nói.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, những ngày gần đây thời tiết thay đổi liên tục nên số trẻ vào khám, nhập viện cũng tăng lên. Trung bình mỗi ngày tại khoa Nhi của bệnh viện có khoảng 80 - 100 trẻ đến khám các mặt bệnh trên.

Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Phó trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Thời tiết thay đổi, nhiệt độ tăng, giảm đột ngột khiến các bệnh về đường hô hấp gia tăng, nhất là viêm tiểu phế quản chủ yếu do virus, nhất là virus RSV. Nhiều trẻ cũng gặp tình trạng về tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy… phải khám và nhập viện.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số lượng bệnh nhi phải nhập viện do các bệnh liên quan đến thời tiết như hô hấp, tiêu chảy, sốt virus… tăng cao. Các bệnh nhi chủ yếu vào viện với các triệu chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi; nôn, tiêu chảy…

Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, những ngày gần đây khoa Nhi tiếp nhận số lượng bệnh nhi nhập viện tăng mạnh, thậm chí gấp đôi so với tháng trước, trong đó viêm đường hô hấp chiếm tới 70%. Một số bệnh nhi được đưa đến thăm khám sớm nhưng cũng có những trường hợp đến viện muộn, thậm chí suy hô hấp…

Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, nguyên nhân của các trường hợp viêm phổi trẻ em chủ yếu do virus (tới 70%), thường gặp nhất là virus hợp bào đường hô hấp RSV; hoặc do vi khuẩn phế cầu gây ra viêm phổi ở trẻ. Virus thường phát sinh, phát triển ở nhiệt độ, độ ẩm cao; thời tiết như hiện nay đang rất thuận lợi cho các virus này phát triển, vì vậy đã khiến gia tăng tình trạng lây nhiễm ở trẻ.

Bên cạnh viêm phổi, viêm phế quản, số trẻ bị sốt và tiêu chảy, nôn cũng gia tăng; căn nguyên chủ yếu được xác định cũng là do virus. Với tình trạng này, trẻ thường đáp ứng tốt khi điều trị đúng, bù điện giải kịp thời cho trẻ; trẻ nhanh hồi phục.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh hô hấp và tiêu hóa trong giai đoạn thời tiết như hiện nay, cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh cho trẻ, vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thông thoáng; đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho bé để tăng sức đề kháng. Cùng đó, cần phát hiện sớm các dấu hiệu ở trẻ như ho, khò khè, viêm long đường hô hấp… để đưa con đến cơ sở y tế kịp thời, tránh diễn biến nặng.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, sai lầm phổ biến của nhiều cha mẹ là khi thấy trẻ ho, khò khè, sốt… thường tự ý mua thuốc kháng sinh cho con uống, chỉ khi vài ngày không đỡ mới đưa đi khám, điều này có thể làm nặng thêm tình trạng của trẻ. Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị các bệnh lý do virus gây ra.

Ngoài ra, một bệnh lý truyền nhiễm khác cũng đang có dấu hiệu gia tăng tại Hà Nội là tay chân miệng. Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, từ cuối tháng 5, số ca nhập viện do bệnh lý này tăng đột biến, mỗi ngày tiếp nhận tới vài chục bệnh nhân đến khám. Đa phần trẻ được cho về điều trị ngoại trú nhưng một số vẫn phải nhập viện điều trị nội trú vì có dấu hiệu nặng của bệnh.

Nguồn báo An ninh thủ đô

 


Các bài viết liên quan