Các vấn đề sức khỏe lứa tuổi vị thành niên

Theo Tổ chức Y tế thế giới, vị thành niên là nhóm tuổi từ 10 – 19 tuổi. Sự lớn lên và phát triển của trẻ em nhóm tuổi này dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau trong môi trường như các yếu tố dinh dưỡng, hành vi, lối sống, hay bệnh tật và môi trường sống của trẻ. Bên cạnh những triệu chứng cấp tính cũng thường gặp ở trẻ em như sốt, đau họng, sổ mũi, đau tai, viêm da,… trong khi các bệnh, tật phổ biến như tật khúc xạ, bệnh răng miệng,… vẫn đang tác động tới sức khỏe của trẻ thì các bệnh liên quan đến dinh dưỡng, hành vi lối sống có xu hướng gia tăng như bệnh tâm thần kinh, tình trạng thừa cân - béo phì… đang để lại những hậu quả nghiêm trọng và khó điều trị, tác động mạnh tới sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ vị thành niên. 

Cận thị học đường

Cận thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở trẻ em lứa tuổi đi học. Cận thị hiện nay không chỉ gặp ở trẻ em các thành phố lớn mà còn có thể gặp ở các huyện xa trung tâm. 

Một vài nghiên cứu tại những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng đã ghi nhận một tỷ lệ mắc cận thị cao, dao động từ 40 – 50% học sinh trung học cơ sở tại những quận trung tâm. Trong số những học sinh mắc cận thị, hầu hết đều có hiện tượng giảm thị lực. Tỷ lệ cận thị thấp hơn ở các thành phố nhỏ, các huyện vùng xa, tuy nhiên tỷ lệ vẫn dao động từ khoảng 15% - gần 40%. Như nghiên cứu năm 2012-2013 tại thành phố Đà Lạt và huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng trên học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học, tỷ lệ cận thị học đường là 24,7% ở học sinh trung học cơ sở tăng lên 39,6% ở học sinh phổ thông trung học. Trong khi đó nghiên cứu tại huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An, 2015-2016 cho thấy tỷ lệ giảm thị lực là 15,6 và tỷ lệ mắc tật cận thị là gần 15% với 36,9% mức độ nhẹ, 25,47% mức độ vừa và 37,74% mức độ nặng trở lên. Cận thị có xu hướng cao hơn ở nữ so với nam và ở trẻ em sinh sống ở khu vực thành thị so với khu vực nông thôn. Bên cạnh đó nhiều nghiên cứu cho thấy cận thị có liên quan đến việc tăng giờ học trong một ngày/ trong tuần của trẻ, trẻ ngồi học không đúng tư thế hay trẻ không được trang bị góc học tập hợp lý. Ngoài ra, việc tăng thời gian sử dụng mắt trong các hoạt động giải trí như xem phim, đọc truyện, sử dụng máy vi tính, chơi trò chơi,… cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến tật khúc xạ này ở trẻ em lứa tuổi đi học.

Cha mẹ cũng như thầy cô cần phát hiện sớm những dấu hiệu giảm thị lực và tật cận thị ở trẻ để sớm đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. 

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần xây dựng góc học tập hợp lý, điều chỉnh tư thế ngồi học đúng cho trẻ và kiểm soát tốt thời gian trẻ dành cho các hoạt động vui chơi cần mắt điều tiết nhiều như xem tivi, chơi trò chơi, đọc truyện… để tránh những tác động tiêu cực tới mắt của trẻ.

Bệnh răng miệng

Sưng nướu – viêm nha chu, sâu răng, viêm loét miệng… là những bệnh lý răng miệng thường gặp. Trong những năm gần đây, các bệnh răng miệng vẫn chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em lứa tuổi đi học. Nghiên cứu tại một trường trung học cơ ở trên địa bàn thành phố Hải Dương giai đoạn 2014-2015 cho thấy tỷ lệ sâu răng chung là 63,3% trong khi viêm lợi là 48,5%. Việc ghi nhận tỷ lệ bệnh răng miệng vẫn còn cao đòi hỏi cha mẹ cần đưa ra những hướng dẫn cho trẻ về cách đánh răng và tự chăm sóc răng miệng đúng. Đồng thời nên xây dựng một chế độ ăn hợp lý cho trẻ, tránh các thực phẩm có hàm lượng đường và axit cao tác động tới men răng, mà thay vào đó tăng cường ăn nhiều rau, hoa quả giàu vitamin C, B12… Bên cạnh đó nhà trường cũng cần đẩy mạnh các chương trình chăm sóc răng miệng cho trẻ tại trường, thực hiện khám răng định kỳ và truyền thông về các bệnh răng miệng để trẻ nâng cao kiến thức tự chăm sóc răng miệng.

Dinh dưỡng  học đường

Suy dinh dưỡng hiện nay vẫn đang là vấn đề đáng chú ý ở trẻ em lứa tuổi đi học, điệt là ở trẻ em các huyện vùng sâu vùng xa. Một nghiên cứu gần đây tại các trường phổ thông dân tộc bán trú huyện Trạm Tấu, Tỉnh Yên Bái cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chung là 75,8%, có xu hướng cao hơn ở học sinh nam so với học sinh nữ (76,4% ở học sinh nam và học sinh nữ là 74,9%). 

Trong khi suy dinh dưỡng vẫn là vấn đề tồn tại trong cộng đồng thì thừa cân béo phì ở trẻ em lứa tuổi đi học lại có xu hướng ngày càng gia tăng. Khảo sát tại Hà Nội năm 2016 cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì là 16,27%, trong đó tỷ lệ thừa cân là 12,25%, và béo phì là 4,01%. Gần đây, nghiên cứu tại Quảng Ninh cũng cho một kết quả tương tự, với tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh trung học cơ sở là 14,5%. 

Sự thay đổi trong lối sống, thói quen dinh dưỡng và các hành vi lối sống không hợp lý trong những điều kiện kinh tế khác nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tình trạng thiếu cân, thừa cân-béo phì ở trẻ. Hiểu các yếu tố nguy cơ đề từ đó phát hiện sớm các tình trạng dinh dưỡng bất thường (thiếu cân, thừa cân- béo phì) ở trẻ, sẽ giúp cha mẹ có thể xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho gia đình và đưa ra các hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý cho trẻ bên cạnh các lời khuyên về vận động và kiểm soát tốt các hành vi nguy cơ của trẻ em, giúp trẻ phòng ngừa thiếu cân, thừa cân, béo phì.

Trầm cảm, lo âu

Tại Việt Nam các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng và nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng như rối loạn tâm lý, trầm cảm, căng thẳng, kích động và tự sát. Các khảo sát gần đây trên học sinh trung học cơ sở cho thấy tỉ lệ trẻ gặp phải vấn đề rối loạn tâm lý, trầm cảm dao động từ 6 - 8%. Các áp lực lớn, kéo dài, lặp đi lặp lại từ cuộc sống như bạo lực gia đình, áp lực học tập, bạo lực học đường… có thể dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ. Do đó trong gia đình, cha mẹ cần gần gũi với trẻ, sớm phát hiện các vấn đề bất thường tâm lý ở trẻ, đồng thời tạo môi trường sống vui vẻ, thoải mái, chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trẻ, tránh tạo áp lực cho trẻ trong cuộc sống cũng như học tập. Bên cạnh đọ, ở trường học, giáo viên cần thường xuyên quan tâm và động viên các em, giúp đỡ các em khi các em cần, khuyến khích các em tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể để các em có thể hòa mình vào các hoạt động chung, để các em không cảm thấy cô đơn, và hiểu được mình được quan tâm và yêu thương.

ThS. Phương Dung - Khoa YTCC

 


Các bài viết liên quan