Các ổ dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 20/8. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chủ trì cuộc họp.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 1.007 ca mắc, trong đó, có 666 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 525 ca. Riêng trong ngày 20/8, nước ta ghi nhận thêm 14 ca mắc mới, trong đó có 2 ca nhập cảnh, 12 ca còn lại ở Đà Nẵng (11 ca) và Quảng Nam (1 ca).

Từ 25/7 đến hết ngày 20/8, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 15 tỉnh, thành phố (các trường hợp mới được phát hiện này chủ yếu đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng gồm: Đà Nẵng (367), Quảng Nam (96), Đắk Lắk (03), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Ngãi (05), Hà Nội (12), Thái Bình (01), Đồng Nai (02), Hà Nam (01), Bắc Giang (06) và Lạng Sơn (04), Thanh Hóa (01), Quảng Trị (07), Hải Dương (12), Khánh Hòa (01).

Về tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, tại cuộc họp Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm hiện tại các trường hợp nghi ngờ ở hai địa phương này đã được truy vết và cách ly, lấy mẫu triệt để, tiến hành xét nghiệm với số lượng mẫu lớn… Trong những ngày gần đây số ca mắc mới đã giảm rõ rệt. Có thể nói tình hình dịch ở hai địa phương này đã được kiểm soát.

Bộ Y tế cũng nhận định, những ngày tới tại Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn có thể ghi nhận những ca mắc mới rải rác trong cộng đồng. Chúng ta phải tiếp tục truy vết, kịp thời phát hiện ca mắc mới để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.

Báo cáo về tình hình dịch ở Hà Nội, từ 23/7 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 11 trường hợp mắc mới, trong đó có 8 trường hợp có mối liên quan dịch tễ tới ổ dịch Đà Nẵng, 1 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (BN867) và 2 trường hợp mắc gần đây nhất là đi từ vùng dịch Đà Nẵng về. Như vậy, các trường hợp bệnh tại Hà Nội đều có sự liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ổ dịch tại Đà Nẵng.

Đối với ổ dịch tại Hải Dương, tới thời điểm hiện tại đã ghi nhận 12 trường hợp (BN906, 907, 908, 950, 963, 970, 971, 972, 973, 977, 978, 993), tất cả đều liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi. Kết quả phân tích gene cho thấy virus trên bệnh nhân BN867 (có lịch sử di chuyển giữa Hà Nội và Hải Dương) tương đồng với virus gây bệnh đang lưu hành tại Đà Nẵng.

Ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (từ ngày 8/8 – BN867), Bộ Y tế đã phối hợp với địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch.

Đến nay, ổ dịch tại Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với địa phương khẩn trương triển khai công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng,… để nhanh chóng dập dịch. Kinh nghiệm từ Hải Dương cho thấy, ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, nếu chính quyền địa phương cần phối hợp với cơ quan y tế triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì sau khoảng hơn 1 tuần chúng ta có thể kiểm soát tình hình.

 Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng điều đáng mừng đến thời điểm này là tại các địa phương đã ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng không có tín hiệu phức tạp hơn.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tiến hành phân tích, dự báo tình hình lây lan, khả năng kiểm soát. Các địa phương cần rút kinh nghiệm, nâng cao cảnh giác, củng cố hệ thống phòng thủ, phát hiện thật sớm, khoanh vùng nhanh để giảm thiểu mức độ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. 

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Khoanh vùng, khống chế kịp thời dịch Covid-19 tại một số địa phương”; An ninh Thủ đô, trang 6: “Đã kiểm soát được dịch Covid-19 tại miền Trung”.

Nguồn báo Sức khỏe & Đời sống

 


Các bài viết liên quan